29/04/2018 - 09:19

Tìm đường thoái lui

Tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) hôm 27-4, ngoại trưởng 29 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đưa ra tuyên bố chung bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất hòa đàm của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani dành cho Taliban. Cuộc họp này có sự tham dự của tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người được đánh giá có quan điểm cứng rắn trong các vấn đề quốc tế.

Nhằm thể hiện sự ủng hộ thật tâm của mình, các ngoại trưởng của liên minh cho rằng đề xuất hòa đàm của Tổng thống Afghanistan là “chưa từng có” và là cơ hội “có một không hai” để kết thúc cuộc xung đột tàn phá kéo dài ở quốc gia Nam Á này. Theo hãng tin AP, ông Ghani đã trao cho phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban lời đề nghị đàm phán hòa bình vô điều kiện để có thể dẫn tới một thỏa thuận ngừng bắn, công nhận lực lượng này là một đảng phái chính trị, trao trả tù binh và nhiều ưu đãi khác. AP đánh giá kiến nghị của ông Ghani nếu được chấp nhận có thể giúp “mở ra” cho Mỹ và các đồng minh một con đường thoái lui sự hiện diện quân sự kéo dài 15 năm qua tại Afghanistan.

Theo nhiều ước tính khác nhau, cuộc chiến tại Afghanistan là một trong những cuộc chiến tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ  với chi phí từ 800-1.000 tỉ USD. Từ năm 2003, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của khoảng 3.400 binh sĩ nước ngoài, trong đó có khoảng 2.300 lính Mỹ. Bắt đầu từ năm 2015, Mỹ và đồng minh triển khai chương trình huấn luyện cho binh sĩ địa phương nhằm thay thế lực lượng tác chiến nước ngoài, đến đầu năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump tăng cường thêm 3.000 binh sĩ để có quân số 16.000 tại Afghanistan. Tuy nhiên, cuộc xung đột vẫn lâm vào thế bế tắc.

Sự ủng hộ của NATO cho cuộc hòa đàm khả dĩ giữa Kabul và Taliban đã nói lên sự bất ổn an ninh tại Afghanistan vào thời điểm “mùa chiến đấu” mới lại bắt đầu. Không chỉ đối mặt  với làn sóng trỗi dậy mạnh mẽ của Taliban, khắp Afghanistan còn đương đầu với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Vụ đánh bom tự sát mới đây của IS nhằm vào một điểm đăng ký bỏ phiếu ngay tại trung tâm Thủ đô Kabul làm ít nhất 57 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương là một thí dụ điển hình cho cuộc xung đột khó có hồi kết ở Afghanistan.

Để có thể đánh bại IS ở Afghanistan như tại Iraq và Syria, lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu và chính quyền Kabul cần sự hợp tác của Taliban. Tuy nhiên, vị thế và tham vọng của Taliban lại hoàn toàn khác. Taliban đã bác bỏ đề xuất của ông Ghani, gọi đây là một thủ đoạn chính trị. “Mục tiêu chính của chính phủ Afghanistan là đánh lạc hướng dư luận về sự chiếm đóng trái phép của ngoại bang ở đất nước này trong khi người Mỹ không có ý định nghiêm túc hay chân thành muốn kết thúc chiến tranh” -  một tuyên bố của Taliban hôm 25-4 nêu rõ.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết