25/07/2019 - 15:02

Tiếp tục vận động người tiêu dùng tin yêu và chọn hàng Việt 

Sau 10 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (gọi tắt là Cuộc vận động), điểm nổi bật là Cuộc vận động đã đi vào cuộc sống, lan tỏa trong nhân dân, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng mẫu mã hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hàng hóa kinh doanh tại hệ thống siêu thị Co.opmart trên 90% là hàng sản xuất trong nước. Trong ảnh: Khách hàng mua trái cây nội địa tại siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Xây dựng mạng lưới

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố gặp gỡ các nhà thu mua, các nhà phân phối (siêu thị, chợ đầu mối, trung tâm thu mua, các hệ thống cửa hàng bán lẻ, các nhà phân phối) tại các tỉnh, thành để trao đổi, tìm hiểu sản phẩm, hàng hóa và ký kết hợp tác tiêu thụ. Sở Công thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ chủ trì tổ chức và tham gia các Hội nghị kết nối cung cầu và các tỉnh, thành phía Nam; Hội nghị kết nối cung cầu tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng... Tại đây, các đơn vị thu mua (nhà phân phối, siêu thị) đánh giá cao tiềm năng cung ứng sản phẩm của TP Cần Thơ và các tỉnh, cung cấp những thông tin về nhu cầu tiêu thụ, thu mua hàng hóa nông sản của đơn vị và những điều kiện đưa hàng vào hệ thống (tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu, bao bì, chiết khấu,...).

Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, đã triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại bán buôn bán lẻ gồm: các loại hình chợ, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích, hợp tác xã thương mại, dịch vụ thương mại... Hiện, thành phố có 107 chợ bố trí trên 9 quận, huyện; 19 siêu thị, trung tâm thương mại và trên 75 cửa hàng tiện ích.

Sản xuất cá thát lát tại Công ty cổ phần Phạm Nghĩa.

Trong khâu phân phối và tiêu thụ sản phẩm, vấn đề an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn vệ sinh để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế là rất quan trọng. Do đó, việc phát triển các kênh phân phối, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu mạnh, triển khai các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh hiệu quả luôn là then chốt để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nông sản Việt Nam. Đến  nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai  xây dựng, quảng bá, kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố. Với 28 mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, xác nhận 97 sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Xây dựng được 106 cánh đồng lớn (diện tích 25.000ha; trên 10,5ha sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam) có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra; 18.450ha cây ăn trái đặc sản theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với du lịch sinh thái; 46 trang trại chăn nuôi heo; 236ha nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và 535 cơ sở sơ chế, chế biến sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản)...

Từ các chương trình liên kết trao đổi sản phẩm nông sản đặc sản đặc trưng các vùng miền, đã hỗ trợ liên kết sản xuất - tiêu thụ cho các sản phẩm được xác nhận sản phẩm an toàn, qua đó 100% các sản phẩm trong chuỗi đều ký kết được các hợp đồng phân phối đại lý, cửa hàng và hệ thống siêu thị trên toàn quốc như: chuỗi các sản phẩm từ cá thát lát của Công ty Cổ phần Phạm Nghĩa, chuỗi khô cá nước ngọt của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Minh Đức Thành, chuỗi các sản phẩm từ cá nước ngọt của Hợp tác xã Nhất Tâm, chuỗi mắm cá tra cơ sở Út Anh, chuỗi gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An... Đặc biệt, sản phẩm của Công ty Cổ phần Phạm Nghĩa và Hợp tác xã Nhất Tâm đã ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc điện tử (QRcode).

 Phát huy vai trò "cầu nối"

 Cuộc vận động đã thu được những kết quả đáng khích lệ như: các doanh nghiệp dần nhận thức được tầm quan trọng của thị trường và người tiêu dùng nội địa từ đó đầu tư nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng Việt, cải tiến phát triển sản phẩm cả về chất lượng, mẫu mã và chủng loại để bắt kịp thị hiếu và xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng nội địa. Đồng thời, đầu tư nhiều hơn vào công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, không thể bỏ qua vai trò các nhà phân phối, đây được xem là "cầu nối" giữa hàng Việt và người tiêu dùng Việt. Hệ thống phân phối đóng vai trò trung gian từ phía nhà sản xuất tới khách hàng và từ khách hàng truyền thông điệp trở lại nhà sản xuất. Đây là một trong những thành công lớn của Cuộc vận động.

Trong suốt quá trình hơn 23 năm hoạt động, hệ thống siêu thị Co.opmart, trực thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), phát triển chiến lược "nội địa hóa"  hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt trong quảng bá và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong nước. Bền bỉ với chiến lược "nội địa hóa", đến nay hàng hóa sản xuất tại Việt Nam chiếm tỷ trọng trên 90% trong cơ cấu hàng hóa bày bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart. Bà Châu Bảo Nguyên, đại diện Siêu thị Co.opmart Cần Thơ, cho biết, Co.opmart Cần Thơ đã thực hiện các chính sách hỗ trợ như: ưu tiên các doanh nghiệp Việt trong chính sách mua hàng, diện tích và vị trí trưng bày hàng hóa; hỗ trợ quảng bá sản phẩm mới hoặc các chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp hàng Việt; tích cực hưởng ứng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, cùng với toàn hệ thống, thực hiện tháng hàng Việt trong chương trình "Tự hào hàng Việt". Đặc biệt, với các nhà sản xuất trong nước uy tín, Co.opmart còn hợp tác để phát triển nhãn hàng riêng Co.opmart với mục đích vừa hỗ trợ các doanh nghiệp gia tăng sản xuất, tối ưu hóa công suất, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ nhằm đạt hiệu quả sản xuất cao nhất.

10 năm qua, Công ty Lương thực Sông Hậu đã triển khai, thực hiện tốt Cuộc vận động với chương trình như: "Đưa hàng Việt về nông thôn", "Gạo Sông Hậu, tự hào đưa hàng Việt về nông thôn"... Đặc biệt với sản phẩm gạo nhãn hiệu Sông Hậu, Bông bưởi, Bông sứ, Bông trạng nguyên, Tây Đô hiện có mặt tại các cửa hàng, đại lý, tiệm tạp hóa trên địa bàn Cần Thơ và các tỉnh, thành lân cận với mức tiêu thụ bình quân 1.200 tấn gạo/năm. Suốt 10 năm qua, Công ty Lương thực Sông Hậu còn là 1 trong 7 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, với các mặt hàng thiết yếu như: gạo, đường, sữa, dầu ăn, mì, bột ngọt... với doanh thu bán hàng đạt trên 2.000 tỉ đồng.

Mặc dù vậy, Cuộc vận động còn gặp nhiều khó khăn do Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Các sản phẩm Việt phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, các doanh nghiệp phần lớn quy mô nhỏ và siêu nhỏ, còn thiếu những chiến lược bài bản và yếu về vốn đầu tư, gây trở ngại trong xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, việc truyền thông cho Cuộc vận động đôi lúc còn thiếu sự đồng nhịp để tạo thành một chiến dịch truyền thông hiệu quả.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều hàng hóa nước ngoài khi không còn rào cản thuế quan sẽ dễ dàng vào Việt Nam tạo ra sự cạnh tranh lớn. Để hàng hóa cạnh tranh tốt trên thị trường nội địa cần quan tâm đến các vấn đề như: tập trung vào khâu sản xuất, đây là khâu quan trọng, cốt lõi vấn đề là phải có công nghệ sản xuất hàng hóa tiên tiến. Nghiên cứu các biện pháp phát triển chợ đầu mối tạo ra luồng hàng hóa có uy tín và đặc biệt phải thực hiện tốt kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng gian, hàng giả. Cùng đó, công tác tuyên truyền cuộc vận động rất cần được tiếp tục xem trọng...

 Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết