10/06/2010 - 20:53

Tiếp sức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Xưởng cơ khí của Công ty TNHH Sản xuất – Xây dựng – Thương mại Tân Thuận Thành, KCN Trà Nóc.

TP Cần Thơ hiện có trên 9.000 doanh nghiệp (DN) các loại hình, trong đó đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), nhưng đây là thành phần đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động của thành phố. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, sức cạnh tranh của DNVVN còn nhiều hạn chế. Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất ngân hàng cao, thị trường tiêu thụ đang thu hẹp do tác động của khủng hoảng kinh tế năm 2009 sẽ gia tăng áp lực lên các DNVVN. Nếu không có sự hà hơi tiếp sức của các ngành chức năng trong việc tìm kiếm thị trường, tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn sản xuất, kinh doanh thì DNVVN có thể gặp nhiều khó khăn.

* Khó tiếp cận nguồn vốn

Theo Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, kết quả của một cuộc điều tra mới đây (do Viện phối hợp với một cơ quan thuộc Chính phủ Đức thực hiện) cho thấy có đến 3/4 DNVVN của Việt Nam phải đi vay vốn từ những nguồn phi chính thức để tồn tại và phát triển. Khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức (gồm: trái phiếu, cổ phiếu và vốn ngân hàng) của các DNVVN rất thấp và gần như không thể tiếp cận được vốn trái phiếu. Còn tín dụng ngân hàng được xem là nguồn vốn căn bản của các DNVVN, nhưng việc tiếp cận cũng rất nhiêu khê và đòi hỏi DN phải có tài sản thế chấp, vay theo cơ chế tín dụng thông thường, hay lãi suất thỏa thuận. Khó khăn của DN khi tiếp cận vốn ngân hàng có nhiều nguyên nhân như vai trò Nhà nước, cách nhìn nhận của ngân hàng, và năng lực của DN. Các ngân hàng cũng ngại xếp hạng tín dụng DNVVN và khả năng trình bày dự án để thuyết phục ngân hàng cho vay là một thách thức đối với DN. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sau khủng hoảng kinh tế, các DNVVN phục hồi khá nhanh và Việt Nam nằm trong tốp các quốc gia phục hồi kinh tế đầy ấn tượng. Tuy nhiên, quỹ tiền mặt yếu (vốn lưu động) tiếp tục là một thử thách đối với DNVVN trong trung hạn.

Ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Xây dựng- Thương mại Tân Thuận Thành (Khu công nghiệp Trà Nóc), bức xúc: “Vay vốn ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, đây là vấn đề mà không phải DN nào cũng đáp ứng đủ điều kiện khi vay. Từ đầu năm 2010 đến nay, đơn vị rất hạn chế trong vay vốn ngân hàng, do thị trường đang thu hẹp và chỉ sản xuất theo hợp đồng đã ký kết với khách hàng để chờ qua cơn khó. Hơn nữa, trong thời điểm khó khăn này, chúng tôi cũng không dám đầu tư, mở rộng sản xuất hay đổi mới công nghệ vì khả năng chịu đựng của DN có giới hạn, bởi lãi suất ngân hàng đang ở mức cao”. Tân Thuận Thành chuyên sản xuất ống cống và thiết bị bê tông ly tâm (BTLT), cọc bê tông cốt thép dự ứng lực, gạch Terrazzo, thiết kế, chế tạo thiết bị quay ly tâm, cầu trục, cổng trục với mọi trọng tải... cung cấp cho các công trình xây dựng, dự án lớn tại ĐBSCL. Hiện tại, công ty đang vay ngân hàng với mức lãi suất 13%/năm (đã giảm 1%, còn đầu năm là 14%) và mức lãi suất này, khả năng của DN chỉ chịu đựng trong tức thời, còn dài hạn rất khó khăn. Theo ông Trường, năm 2009, công ty luôn sản xuất dư các sản phẩm (với trị giá khoảng 2 tỉ đồng) để khi khách hàng cần là đáp ứng ngay, nhưng từ đầu năm 2010 đến nay, đơn vị chỉ sản xuất cầm chừng và chờ thị trường ổn định. Trong quý I/2010, sức mua hạn chế và thị trường mới phục hồi dần từ đầu quý II/2010, nhưng cũng hy vọng là năm nay sẽ tăng hơn mọi năm.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Dương Nghĩa Hiệp, cho biết: “Việc khó tiếp cận nguồn vốn là khó khăn chung của hầu hết DN cả nước, chứ không riêng gì DN Cần Thơ. Bởi DN muốn vay vốn phải đáp ứng các điều kiện của ngân hàng đưa ra, phải có tài sản thế chấp, mà nhiều DNVVN lại không đáp ứng đủ điều kiện này. Ở góc độ quản lý, ngành công thương cũng chỉ lắng nghe phản ánh của DN để kiến nghị lên lãnh đạo thành phố và thành phố kiến nghị lên Chính phủ để có giải pháp mềm hơn, giúp DN tiếp cận vốn, đảm bảo sản xuất”. Theo ông Hiệp, việc hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 443/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với DN, tổ chức, cá nhân để thực hiện vay vốn trung và dài hạn đầu tư mới sản xuất- kinh doanh từ 4%/năm giảm xuống còn 2%/năm cũng tác động lớn đến DN, nhưng những DN đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo quyết định này thì họ cũng không khó khăn nhiều trong sản xuất, kinh doanh, do có thị trường ổn định. Đồng thời, nhiều DN cũng thận trọng trong vay vốn sản xuất, hay đầu tư mới. Còn các DN xuất khẩu thì khó khăn nhiều, DN Cần Thơ có lợi thế về xuất khẩu nông sản, nhưng thị trường thế giới thu hẹp do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Song, nhiều DN thành phố đã nỗ lực giữ vững được thị trường truyền thống và mở rộng thêm thị trường mới.

* “Chẩn” đúng bệnh để có giải pháp hỗ trợ

Thống kê của ngành công thương thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố thực hiện hơn 7.690 tỉ đồng, đạt gần 40% kế hoạch năm và tăng gần 13% so cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp ngoài quốc doanh vẫn chiếm ưu thế với trên 6.309 tỉ đồng (đạt 38,8% kế hoạch và tăng gần 13% so với cùng kỳ). Theo kế hoạch của ngành công thương, năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành là 19.260 tỉ đồng (tăng hơn 15,6 % so với năm 2009), trong đó, công nghiệp ngoài quốc doanh chiếm vị trí chủ lực với 16.260 tỉ đồng (tăng 19,3% so với năm 2009); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 29.000 tỉ đồng (tăng 15,6% so năm 2009). Suy giảm kinh tế, thị trường tiêu thụ thu hẹp, các nước nhập khẩu hạn chế nhập hàng hóa để bảo hộ nền sản xuất trong nước và kích cầu nội địa. Ngay sau khủng hoảng, nhiều ý kiến nhận định, nguy cơ thua lỗ, sáp nhập đối với các DNVVN là rất cao, do khả năng tài chính, quản lý và thị phần yếu. Tuy nhiên, DNVVN lại là khu vực phục hồi kinh tế ấn tượng nhất, khủng hoảng kinh tế, DN co hẹp sản xuất, hạn chế vay vốn và sản xuất những sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong ngắn hạn.

Theo các chuyên gia, để trụ vững trong dài hạn, DNVVN cần nhận thức được yêu cầu của ngân hàng và các tổ chức cung ứng vốn để chủ động công bố, minh bạch thông tin sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Đây là một nhân tố quan trọng để tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư, tổ chức có khả năng cung ứng vốn cho DN. Mặt khác, DN cần tích cực tham gia vào hoạt động của các hiệp hội, nhằm cải thiện mối liên kết với các DN và tranh thủ nguồn vốn với ngân hàng thông qua tổ chức hiệp hội.

Ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Xây dựng- Thương mại Tân Thuận Thành cho rằng, muốn DN mở rộng sản xuất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế thành phố, cần chính sách nhất quán từ Trung ương là giảm lãi suất vay trung và dài hạn xuống dưới mức 12%/năm, ưu tiên vốn ngắn hạn cho DN xoay vòng. Bởi mức lãi suất hiện tại dù đã giảm, nhưng cũng quá mức chịu đựng của DN. Do muốn đầu tư mới, hay đổi mới công nghệ phải sử dụng vốn lớn và vốn của DN chủ yếu là vốn vay. Còn Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Dương Nghĩa Hiệp, cho biết: “Đến thời điểm này, dù sản xuất công nghiệp, thương mại của thành phố tăng so cùng kỳ, nhưng cũng khó đoán chính xác là vượt kế hoạch đặt ra trong năm 2010 không, vì tiềm ẩn nhiều rủi ro từ yếu tố thị trường. Hiện tại, ngành công thương đang nỗ lực cùng DN trước mắt là đạt được mục tiêu đề ra trong năm”. Hiện nay, bên cạnh các chương trình xúc tiến thương mại, ngành công thương còn phối hợp với các DN tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, đây cũng là “kênh” quảng bá sản phẩm hiệu quả cho DN và kích cầu tiêu dùng nội địa, nhưng việc duy trì và nhân rộng cần sự nỗ lực của ngành và cả DN, địa phương.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết