Theo kế hoạch, các quan chức hai bộ ngoại giao và năng lượng Mỹ sẽ đến Arabie Séoudite trong vài ngày tới để nối lại đàm phán về hợp tác hạt nhân dân sự song phương. Chính phủ Mỹ hy vọng một hiệp định về vấn đề này sẽ giúp họ giám sát được tham vọng của Riyadh, đồng thời đẩy mạnh cô lập Iran (thông qua việc chỉ trích Tehran vi phạm các thỏa thuận quốc tế về hạt nhân). Ngoài ra, các công ty Mỹ còn có cơ hội bán thiết bị hạt nhân cho Arabie Séoudite.
Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Mỹ phản đối bước đi này của Nhà Trắng. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Ileana Ros-Lehtinen cho biết bà kinh ngạc khi chính phủ dự định ký kết thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Arabie Séoudite, bởi theo bà, “Arabie Séoudite là một quốc gia bất ổn nằm trong một khu vực bất ổn, với các quan chức cao cấp từng công khai tuyên bố có thể theo đuổi việc chế tạo vũ khí hạt nhân”. Hẳn bà Ros-Lehtinen muốn đề cập tới phát biểu gần đây của Thái tử Turki al-Faisal, người từng làm đại sứ Arabie Séoudite tại Washington. Trong cuộc gặp với các binh sĩ Mỹ và Anh hồi tháng 6, ông al-Faisal nói rằng Arabie Séoudite có thể sẽ phát triển bom nguyên tử nếu kẻ thù của họ là Iran sở hữu vũ khí này. Theo bà Ros-Lehtinen, nội việc Arabie Séoudite có quan hệ với khủng bố thôi cũng đủ loại nước này ra khỏi bàn thương lượng về hợp tác hạt nhân với Mỹ.
Bên cạnh đó, người ta cũng cho rằng Washington khó mà buộc Arabie Séoudite cam kết không tự làm giàu uranium (để không có cơ hội chuyển từ năng lượng sang vũ khí hạt nhân) như từng làm với Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất hồi năm 2009.
Sở hữu 1/5 trữ lượng dầu trên trái đất và đang là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới nhưng những năm gần đây, Arabie Séoudite có kế hoạch phát triển điện hạt nhân. Năm 2008, nước này và Mỹ đã ký một thỏa thuận tạm thời về hợp tác phát triển công nghệ hạt nhân dân sự nhưng chưa thể triển khai trên thực tế. Bên cạnh đó, Arabie Séoudite cũng đang theo đuổi các hiệp định hợp tác hạt nhân với Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Pháp. Do vậy, họ hoàn toàn có thể xây các lò phản ứng mà không cần sự can dự của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc nếu đòi hỏi quá nhiều trong khi đàm phán, Washington sẽ bị gạt ra rìa. Đáng lo là thời gian gần đây, quan hệ giữa hai nước không được nồng ấm như xưa. Riyadh phê bình việc Washington thúc đẩy cải cách dân chủ ở Trung Đông đã làm suy yếu các đồng minh chủ chốt như Ai Cập và Bahrain, trong khi để cho Iran lợi dụng tình trạng bất ổn để khuyếch trương ảnh hưởng.
Rõ ràng, Nhà Trắng đang lâm vào thế khó. Họ sẽ mất phần nếu không ký hiệp định hạt nhân với Arabie Séoudite, còn nếu ký thì liệu có qua được ải Đồi Capitol?
LÊ DÂN