29/09/2022 - 09:39

Tích hợp phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2021-2025 là tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn. Do vậy, bên cạnh chương trình chính, Thủ tướng Chính phủ còn phê duyệt nhiều chương trình chuyên đề để tích hợp, lồng ghép vào Chương trình XDNTM. Trong đó, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong XDNTM đang được các địa phương quan tâm triển khai, nhân rộng.

Kết quả bước đầu

Sản phẩm OCOP trái cây sấy Đông Phát Food của tỉnh Vĩnh Long được quảng bá tại một sự kiện.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 31-8-2022, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm; cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao. Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay, các địa phương đã đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, trong đó nhiều vùng (miền núi phía Bắc và ĐBSCL) đã phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, làng nghề truyền thống để hình thành các điểm du lịch nông thôn đặc sắc.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có 36 khu, điểm vườn du lịch đang hoạt động, 2 điểm du lịch cộng đồng (cồn Sơn, quận Bình Thủy và cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt). Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ xây dựng 2 mô hình du lịch cộng đồng mới tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền. “Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố hỗ trợ cho nông dân làm du lịch vay vốn hơn 80 tỉ đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các quận, huyện tổ chức 80 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về du lịch, với hơn 3.000 học viên tham dự. Ngoài ra, các sản phảm OCOP cũng được trưng bày, quảng bá rộng rãi tại các điểm du lịch để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước” - ông Nguyễn Minh Tuấn thông tin.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề phát triển sản phẩm OCOP cũng như du lịch nông thôn trong XDNTM tồn tại nhiều bất cập. Đơn cử, hoạt động du lịch cộng đồng chưa có sự liên kết chặt chẽ, sản phẩm du lịch đơn điệu. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch nông thôn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa cao, chủ yếu là con cháu trong nhà, theo hình thức “cây nhà lá vườn”… Về phát triển sản phẩm OCOP gặp phải các trở ngại như sản xuất theo mùa vụ với sản lượng ít; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn, lâu dài; năng lực quản trị của các chủ thể tham gia còn nhỏ và yếu, thiếu; một số sản phẩm OCOP đang gặp khó về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản…

Khai thác tiềm năng, lợi thế từng địa phương

Trên cơ sở rút kinh nghiệm những kết quả đạt được và chưa được, theo ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, giai đoạn 2021-2025, Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong XDNTM tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, hành động cán bộ, tổ chức, cá nhân về phát triển du lịch nông thôn bền vững; xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch và hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân… Đối với Chương trình OCOP tập trung vào triển khai Chu trình OCOP linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương; nâng cao chất lượng quản lý sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hoạt động giới thiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP…

Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường liên kết phát triển du lịch (các công ty lữ hành, các địa phương khác) để cùng hỗ trợ, hợp tác trên mọi phương diện. Đồng thời, quan tâm việc giữ gìn giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa truyền thống, môi trường, cảnh quan; đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia, đặc biệt là những người trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch tại nông thôn… Nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần chủ động xây dựng, ban hành đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP và Chương trình Phát triển du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng địa phương. Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, lồng ghép các nguồn vốn để triển khai Chương trình OCOP; hỗ trợ đầu tư hạ tầng, điểm du lịch nông thôn gắn với XDNTM.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh: Phát triển sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn còn nhiều dư địa phát triển. Các địa phương cần thay đổi tư duy, đầu tư hơn trong xây dựng sản phẩm đặc trưng để tạo ra sự khác biệt nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Phải làm sao để khách hàng mua sản phẩm OCOP không đơn thuần chỉ là một sản phẩm mà là mua 1 tác phẩm với chiều sâu, cảm xúc và gắn với câu chuyện về hành trình ra đời của sản phẩm. Đối với phát triển du lịch nông thôn, không chỉ dừng lại ở lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào về quê hương, xứ sở. Để làm được điều đó, mỗi tỉnh cần xây dựng trung tâm hoặc giao trung tâm xúc tiến để hỗ trợ, mời chuyên gia để xây dựng câu chuyện, tìm hiểu thị trường để điều chỉnh sản xuất; đầu tư cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, kiến tạo thiết chế xã hội nông thôn; phát triển không gian kinh tế nông nghiệp nông thôn; phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch nông nghiệp nông thôn...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết