21/11/2018 - 08:09

Thượng đỉnh Mỹ - Trung khó có đột phá 

Cạnh tranh địa chính trị được dự đoán tiếp tục phủ bóng tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung thời gian tới, đặc biệt tại cuộc gặp được trông đợi giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina vào cuối tháng này.

Mỹ dọa đánh thuế lên toàn bộ 517 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuần rồi, hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Papua New Guinea chứng kiến màn đấu khẩu kịch liệt giữa Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Chủ tịch Trung Quốc. Bầu không khí hội nghị được mô tả “cực kỳ căng thẳng” dẫn đến bế tắc khiến lãnh đạo 21 nền kinh tế không thể ra tuyên bố chung APEC lần đầu tiên trong lịch sử.

Việc không thể hàn gắn những chia rẽ cũng là nguyên nhân khiến phái đoàn Trung Quốc hủy kế hoạch đàm phán thương mại cấp cao với Mỹ tại Washington. Theo giới quan sát, phiên họp sơ bộ trước thềm G20 giữa quan chức Mỹ - Trung đổ vỡ đồng nghĩa lãnh đạo hai nước gặp nhau mà không có dự thảo thỏa thuận như hầu hết các cuộc đàm phán quốc tế. Diễn biến này báo hiệu cuộc gặp Trump - Tập tại Buenos Aires khó đạt bước tiến tích cực.

Trước đó, tín hiệu lạc quan từng được phát đi khi các nhà đàm phán Mỹ - Trung ráo riết chuẩn bị cho việc đạt được thỏa thuận tại cuộc gặp nói trên của lãnh đạo hai nước. Trung Quốc cũng cho công bố danh sách gồm 142 nội dung mà Bắc Kinh nhượng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của Mỹ để đạt tới một thỏa hiệp giải quyết cuộc chiến thương mại hiện nay. Song, Tổng thống Trump sau đó cho biết Washington “chưa thể chấp nhận” các nội dung mà Bắc Kinh đưa ra.

Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng theo sau “tối hậu thư” mà Phó Tổng thống Pence gởi tới Trung Quốc tại hội nghị APEC, khẳng định chính quyền Trump không vội vàng chấm dứt chiến tranh thương mại, thậm chí tăng gấp đôi mức thuế đang áp lên Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh thay đổi hành vi. Hôm 19-11, cố vấn cấp cao Nhà Trắng Kellyanne Conway lần nữa cảnh báo Tổng thống Trump đã sẵn sàng áp thuế bổ sung lên 267 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc nếu đàm phán tại Argentina không đạt kết quả.

Theo giới phân tích, cuộc họp tại Argentina đang là cơ hội duy nhất để lãnh đạo hai cường quốc đối thoại giải quyết bất đồng trước khi Mỹ tăng thuế lên 25% từ ngày 1-1-2019 nếu Trung Quốc leo thang đối đầu thương mại. Do vậy thời gian này, Washington được dự đoán tiếp tục tăng áp lực lên Bắc Kinh. Về phía Trung Quốc, tuy bị cho phải chịu sức ép lớn hơn nhưng việc phái đoàn nước này rút khỏi kế hoạch đàm phán với Washington phản ánh Bắc Kinh không đầu hàng trong cuộc chiến trả đũa thuế quan với Mỹ. Thời gian qua, ông Tập đã cố tạo hình ảnh Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu tự do thương mại khi đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ và chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Dù vậy, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung Quốc Liu Weidong nhận định Bắc Kinh sẽ khó thuyết phục được các nền kinh tế lớn khác như Đức, Pháp hay Liên minh châu Âu (EU) vốn chia sẻ quan điểm với Washington về chính sách thương mại của Trung Quốc.

Trong diễn biến liên quan, Bộ Thương mại Mỹ hôm 19-11 bắt đầu lấy ý kiến công chúng về quy định mới cho phép chính quyền hạn chế xuất khẩu các công nghệ quan trọng trên cơ sở an ninh quốc gia. Nếu như các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trước đây chỉ giới hạn công nghệ liên quan trực tiếp lĩnh vực quân sự, đạo luật mới được thông qua cho phép chính quyền Trump hạn chế xuất khẩu “công nghệ mới nổi và nền tảng” liên quan 14 lĩnh vực như công nghệ sinh học, robot và trí tuệ nhân tạo. Đây được coi là một phần trong chiến dịch rộng lớn hơn gồm các biện pháp “phi thuế quan” mà Washington sử dụng để gây áp lực lên Trung Quốc.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết