27/10/2018 - 18:03

Thượng đỉnh bốn bên về tương lai Syria 

Hôm qua 27-10, lãnh đạo bốn nước gồm Nga, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhóm họp tại thành phố Istanbul nhằm tìm ra một giải pháp chính trị bền vững cho cuộc nội chiến Syria và củng cố lệnh ngừng bắn mong manh ở tỉnh Idlib phía Tây Bắc nước này. Đây sẽ là hội nghị lần đầu tiên mang lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đến với lãnh đạo hai nước quan trọng nhất của Liên minh châu Âu (EU) là Pháp, Đức.

Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Pháp và Nga (từ trái sang). Ảnh: Bangladesh Sangbad Sangstha 

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Ibrahim Kalin hôm 26-10 tiết lộ rằng mục tiêu chính của hội nghị sẽ là “làm rõ các bước cần thực hiện cho một giải pháp chính trị và xác định lộ trình”. Theo ông Kalin, việc thành lập một ủy ban biên soạn hiến pháp sau chiến tranh của Syria - bước đệm để tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia - sẽ là một điểm nhấn đặc biệt. Cuộc thảo luận cũng sẽ xoay quanh việc mở rộng lệnh ngừng bắn xung quanh pháo đài chính Idlib tại Syria.

Song theo AFP, các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh bốn bên đã làm giảm bớt hy vọng về một giải pháp dài hạn cho vấn đề Syria trước thềm diễn ra hội nghị. Phía Điện Élysée nói rằng có “những kỳ vọng khiêm tốn”, trong khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov kêu gọi mọi người nên “thực tế”. Mặt khác, sự kiện lần này diễn ra ngay sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại tòa lãnh sự của Saudi Arabia ở Istanbul hôm 2-10. Giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Tổng thống nước chủ nhà Tayyip Erdogan sẽ thảo luận vụ việc qua các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo bên lề hội nghị.

Đánh giá về hội nghị thượng đỉnh 4 bên về Syria, Anthony Skinner - Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại hãng cố vấn Verisk Maplecroft - nhận định sự kiện này phù hợp với chiến lược rộng lớn hơn của Thổ Nhĩ Kỳ là củng cố vị thế của Ankara như một đối tác quan trọng với cả Nga và châu Âu.

Trong khi đó, hãng thông tấn RT của Nga cho rằng bằng việc đến dự họp tại Istanbul, các nhà lãnh đạo châu Âu đang thừa nhận rằng Nga hiện nắm ưu thế trong sáng kiến về Syria. Tuy sự kiện sáp nhập Crimea gây tranh cãi sôi nổi bên trong nước Nga, nhưng chính tình hình tại Syria đã mang đến cho Mát-xcơ-va một vị thế quốc tế mới và tạo được danh tiếng cho Tổng thống Vladimir Putin như “một bậc thầy đánh cờ” đa chiều.

Theo RT, Nga có một hành động cân bằng khó khăn vì ủng hộ chế độ Assad, nhưng sẽ không muốn chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ, bởi nếu không có sự hợp tác của Ankara thì cuộc xung đột toàn diện tại Syria sẽ tiếp tục. Nga đã khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết tình hình bằng cách khuyến khích các tay súng được nước này tài trợ rút lui, đảm bảo rằng những người còn lại là những mục tiêu hợp pháp.

ĐÔNG PHON

Chia sẻ bài viết