15/07/2011 - 21:04

DƯỢC SĨ ĐẶNG THANH THỦY, TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ DƯỢC (SỞ Y TẾ TP CẦN THƠ):

Thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát thị trường dược phẩm

Dược phẩm là mặt hàng có ảnh hưởng thiết thân đến đời sống người dân. Để người bệnh đỡ khó khăn, nhất là những bệnh nhân nghèo, theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế và của Thành ủy TP Cần Thơ, ngành y tế thành phố đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng, giá cả đối với thị trường dược phẩm. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với dược sĩ Đặng Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý Dược, Sở Y tế TP Cần Thơ. Ông cho biết:

Ngày 20-4-2011, Sở Y tế thành phố đã ban hành Công văn số 5825/KH-SYT triển khai hành động cụ thể của ngành y tế nhằm góp phần bình ổn giá thuốc trên địa bàn thành phố. Qua 2 tháng thực hiện, Phòng quản lý Dược đã kiểm tra việc kê khai giá thuốc ở 20 doanh nghiệp, nhà thuốc, kết quả cho thấy trên địa bàn TP Cần Thơ có 37 mặt hàng dược phẩm tăng giá. Tỷ lệ tăng cụ thể là: 23 mặt hàng tăng giá từ 5%-10%, 7 mặt hàng tăng giá từ 10%-20%, 7 mặt hàng tăng giá trên 20%. Các mặt hàng tăng giá đều không vượt quá giá thuốc kê khai với Bộ Y tế.

* Trước tình trạng giá cả thị trường biến động, ngành y tế thành phố thực hiện công tác quản lý giá dược phẩm như thế nào, thưa ông?

- Sở Y tế đã gởi biểu mẫu “báo cáo tình hình giá thuốc” đến tất cả các công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược phẩm trên địa bàn thành phố. Biểu mẫu này quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm phải báo cáo, kê khai giá cả các mặt hàng đang sản xuất, kinh doanh có tăng giá hoặc giảm giá để gởi về Phòng Quản lý Dược (Sở Y tế) theo định kỳ hằng tháng (trước đây, chế độ báo cáo này được thực hiện theo hằng quý). Phòng Quản lý Dược nhận báo cáo từ cơ sở theo chế độ thư điện tử theo 2 địa chỉ: dangthanhthuy2009@gmail.com hoặc minhhanh_2861983@yahoo.com.vn. Với chế độ thông tin này, việc quản lý kiềm chế tăng giá đối với thị trường dược phẩm sẽ được thực hiện theo hệ thống dọc, các trường hợp doanh nghiệp tăng giá thuốc sai quy định sẽ được phát hiện kịp thời.

* Thưa ông, trong bối cảnh giá thuốc tăng như hiện nay, làm thế nào để tránh ảnh hưởng đến chất lượng điều trị đối với bệnh nhân dùng thẻ bảo hiểm y tế?

- Theo quy định của Bộ Y tế, các loại thuốc, hóa chất, vật tư y tế và vắc xin phục vụ điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh cho các đối tượng sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đều phải thông qua công tác đấu thầu. Các mặt hàng thuốc được sử dụng tại các bệnh viện hiện nay đều được Sở Y tế tổ chức đấu thầu, do vậy nếu giá thuốc trên thị trường tăng thì doanh nghiệp đã trúng thầu vẫn phải cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế trong thành phố theo giá đã đấu thầu. Đối với các mặt hàng thuốc ngoại nhập hoặc biệt dược, không có trong danh mục thuốc đấu thầu và bị biến động tăng giá, bệnh viện vẫn phải đảm bảo điều trị đúng phác đồ cho bệnh nhân bảo hiểm y tế bằng cách chỉ định mặt hàng khác để thay thế, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tương đương. Tức tương đương về thành phần dược chất, nồng độ, hàm lượng và dạng bào chế.

* Còn ở thị trường bán lẻ, ngành y tế thành phố có giải pháp gì để kiềm chế giá thuốc?

Song song với việc thực hiện Công văn số 5825/KH-SYT triển khai hành động cụ thể góp phần bình ổn giá thuốc trên địa bàn thành phố, ngành y tế TP Cần Thơ đã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động hành nghề y-dược tư nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2011 đã kiểm tra 240 nhà thuốc tây, phát hiện 54 cơ sở kinh doanh sai quy định, có 21 cơ sở bị xử phạt, gồm phạt cảnh cáo 15 cơ sở, phạt tiền 6 cơ sở tổng số tiền 17.500.000 đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu về ghi sổ sách bán hàng, không niêm yết giá bán.

Nguồn: Thanh tra Sở Y tế

- Qua đợt kiểm tra vào tháng 6-2011 của ngành y tế thành phố cho thấy, thị trường dược phẩm trên địa bàn thành phố có khoảng 2.100 mặt hàng, bình quân mỗi nhà thuốc tây bán từ 700 đến 1.000 mặt hàng. Từ nhiều năm qua, Bộ Y tế có quy định các nhà thuốc tây phải có bảng niêm yết giá bán lẻ, nhưng thực tế quy định này chưa thể giúp người dân kiểm soát được giá cả các mặt hàng dược phẩm. Từ tháng 5-2011, ngành y tế thành phố đã có văn bản gởi đến từng nhà thuốc, kể cả nhà thuốc trong các bệnh viện quy định phải niêm yết giá bán lẻ trên bao bì và khi bán thuốc theo toa cho bệnh nhân, kể cả trường hợp cấp thuốc cho bệnh nhân dùng thẻ bảo hiểm y tế đều phải ghi giá tiền từng loại thuốc. Trường hợp nhà thuốc tây sai phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 6-4-2005 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó, mức phạt hành chính nặng nhất lên đến 10 triệu đồng. Ngành y tế sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại các nhà thuốc tây theo tinh thần vừa kiểm soát thị trường bán lẻ dược phẩm, vừa hạn chế tình trạng nhà thuốc tây không bán thuốc theo toa bác sĩ, vừa bán thuốc vừa trị bệnh.

* Xin cảm ơn ông!

ĐÌNH KHÔI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết