“No Impact Man” (tạm dịch Người sống không tác động đến môi trường) là biệt danh Colin Beavan tự đặt cho mình khi anh hạ quyết tâm cùng vợ và cô “công chúa” 2 tuổi thử sống trọn 1 năm không màng tới điện, ti-vi, máy lạnh, máy giặt, xe hơi, thang máy, xe buýt, tàu điện ngầm..., thậm chí đến giấy vệ sinh cũng không dùng nốt. Do đâu một cư dân sống giữa thành phố New York (Mỹ) hoa lệ bỗng dưng muốn đặt bản thân và vợ con vào lối sống căng thẳng dễ sinh bức bối như vậy?
Vốn là nhà văn chuyên viết về đề tài lịch sử, một ngày nọ, Colin cảm thấy không thể đào đâu ra cảm hứng để viết về quá khứ khi mà đầu óc anh cứ bị ám ảnh bởi hiện tượng Trái đất ấm dần lên ngày một trở nên tồi tệ đe dọa đến tương lai của nhân loại. Nghĩ thế, anh quyết định rủ vợ, vốn là biên tập viên tạp chí BusinessWeek, cùng thực hiện thử nghiệm để thay đổi cuộc đời. Với mục tiêu giảm những tác động gây ra cho môi trường xuống mức thấp nhất có thể, gia đình Colin cũng ngưng dùng những vật dụng “xài một lần rồi bỏ” và cương quyết không sắm sửa đồ đạc trong vòng 1 năm.
|
Gia đình Colin giờ quen đi lại bằng xe lôi đạp.
Ảnh: Yesmagazine |
Sống trong căn hộ nằm giữa một rừng tòa nhà cao chọc trời ở quận Manhattan, vợ chồng Colin và bé Isabella nhất mực không đặt chân vào thang máy để có cơ hội đi thang bộ tập thể dục. Vốn quen đi lại bằng tắc-xi, Colin cùng vợ tập được thói quen cưỡi “ngựa sắt” hoặc dùng xe lôi đạp nếu cả nhà cùng đi. Từ khi ngưng xài máy giặt, bà xã Michelle bỏ quần áo vào bồn tắm và giặt bằng tay. Đoạn tuyệt sở thích ăn tối ở nhà hàng, một năm qua cả nhà chuyển qua ăn chay do Michelle học nấu, và mua thực phẩm tươi xanh ở các khu chợ tự sản tự tiêu cách nhà khoảng 400 km đổ lại. Nhờ sống và ăn uống lành mạnh, căn bệnh tiểu đường của Michelle dường như đã ngủ yên.
Từ ngày cất cái ti-vi 46 inch khổng lồ, mỗi tối thay vì dán mắt vào truyền hình, gia đình Michelle quây quần trên bàn ở phòng khách và... trò chuyện. Máy điều hòa nhiệt độ từng là vật dụng không thể thiếu nhưng từ lúc nghỉ xài nó, không chịu nổi không khí oi bức cộng với thiếu phương tiện nghe nhìn giải trí, chiều tối Colin cùng vợ con kéo nhau ra thưởng thức cảm giác mát lạnh ở đài phun nước trong Công viên Quảng trường Washington, vừa ngắm mọi người chơi đùa vừa bắt chuyện với hàng xóm vốn lâu nay ít có dịp qua lại.
Cái giá duy nhất mà gia đình Colin phải trả cho lối sống “không rác thải” trong 12 tháng qua là phòng khách giun bò lổm ngổm (do anh biến rác thành phân bón) và thùng chứa phân trở thành ổ đẻ ruồi nhặng. Nhưng đó là chuyện nhỏ.
Từ ngày cuộc thử nghiệm kết thúc, mặc dù mọi thứ trở lại bình thường nhưng cả nhà Colin dường như đã “lậm” lối sống thân thiện môi trường. Nhà sáng đèn trở lại sau 1 năm không xài điện, nhưng nay Colin không cho phép bản thân mở quá một bóng đèn mỗi lần. Anh luôn đi khắp nhà để rút hết phích cắm quên tháo ra. Mặc dù sử dụng lại giấy vệ sinh nhưng nay gia đình Colin chỉ xài loại giấy tái chế. Anh vẫn giữ “xế điếc” và xe lôi đạp làm phương tiện đi lại chính của gia đình. Nhưng nay nếu trời mưa, gia đình “được phép” đi tàu điện ngầm. Michelle cũng đã quen mua thức ăn ở các khu chợ của nông dân, vừa rẻ vừa tươi... Không còn bức bối khi thiếu vắng ti-vi nhưng bây giờ mỗi tuần một lần nếu thích, cả nhà sẽ cùng xem phim trên laptop.
Cuộc sống “No Impact” của gia đình Colin - Michelle không chỉ thu hút báo chí Mỹ mà còn được quay thành phim tài liệu cũng với tựa đề “No Impact Man” vừa mới ra mắt tại xứ cờ hoa. Trong khi đó, báo Huffington Post đang phát động “Tuần lễ No Impact” thu hút hơn 4.000 người đăng ký thử sống như “No Impact Man”.
|
Trong năm qua, cuộc thử nghiệm của “No Impact Man” được cập nhật liên tục trên website của bà xã đã thu hút khá đông đọc giả. Colin dự định cuối năm nay sẽ trình làng quyển sách tường thuật chi tiết những trải nghiệm “không tác động đến môi trường” của gia đình. Chưa hết, anh vừa đứng ra khởi xướng Dự án “No Impact” với sứ mệnh “truyền lửa” để mọi người thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn và hạn chế những tác động bản thân gây ra cho môi trường thông qua việc thay đổi lối sống, tham gia các chương trình bảo vệ môi trường.
“Sống vì môi trường không có nghĩa là bắt bản thân sống trong thiếu thốn. Mỗi người chúng ta đều có thể tự thay đổi bản thân và hợp sức lại cải thiện văn hóa sống theo hướng bền vững. Dám chịu trách nhiệm và làm những gì chúng ta có thể vì môi trường sẽ giúp chúng ta sống thanh thản hơn và nhận ra rằng mỗi người chúng ta thật sự có thể tác động tích cực đến môi trường sống của mình”, “No Impact Man” chia sẻ.
LONG CHÂU (Theo CNN, Kansascity, BaltimoreSun)