16/06/2010 - 21:11

Thu hút vốn FDI tiếp tục khởi sắc

Các doanh nghiệp FDI góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu. Ảnh: dangcongsan.vn

Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết trong tháng 5-2010, có 97 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 1,5 tỉ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 360 dự án đăng ký cấp mới với tổng vốn cam kết đầu tư đạt trên 7,1 tỉ USD, tăng 40% so với cùng kỳ 2009. Trong khi vốn cấp mới tăng mạnh như vậy, thì lượng vốn tăng thêm ở các dự án đã đầu tư chỉ bằng 8,6% so với cùng kỳ, đạt 403 triệu USD. Như vậy, vốn đăng ký mới và tăng thêm vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay chỉ bằng 77% so với cùng kỳ 2009, đạt hơn 7,5 tỉ USD.

Tuy FDI còn khá khiêm tốn nhưng tình hình giải ngân nguồn vốn này trong 5 tháng đầu năm tiếp tục được cải thiện. Trong tháng 5, giải ngân FDI đạt 1,1 tỉ USD, nâng tổng số 5 tháng đầu năm lên mức 4,5 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra, bình quân mỗi tháng giải ngân vốn FDI đạt khoảng 900 triệu USD. Công nghiệp chế biến - chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 2,55 tỉ USD, chiếm 33,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 5 tháng. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước điều hòa đứng thứ hai với 2,2 tỉ USD. Bất động sản đứng thứ ba với 1,28 tỉ USD vốn đăng ký. Trong 5 tháng đầu năm, có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó Hà Lan là nước đầu tư lớn nhất với 2,2 tỉ USD, tiếp đó là Hàn Quốc và Nhật Bản, với số vốn lần lượt là 1,5 tỉ USD và 1,1 tỉ USD.

Sau giai đoạn bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến các dòng vốn FDI biến động, năm 2010 được nhận định là năm phục hồi lại dòng vốn này. Tuy nhiên, các lĩnh vực thu hút đầu tư đã có sự chuyển dịch tích cực. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, với 127 dự án, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 2,55 tỉ USD, chiếm 33,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản rớt xuống vị trí thứ ba với 1,283 tỉ USD vốn thu hút mới, chiếm 17% tổng FDI đăng ký.

Có nhiều dấu hiệu lạc quan nhưng các chuyên gia nhận định sẽ có sự cạnh tranh gay gắt FDI giữa các quốc gia. Một trong những điểm hạn chế thu hút FDI của Việt Nam là cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Để cải thiện hệ thống đường sá và cảng biển, ước tính Việt Nam cần từ 80-90 tỉ USD đầu tư. Còn nếu nâng cấp cả hệ thống điện, viễn thông... số tiền đầu tư cần có lên tới 150 tỉ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải đơn giản hóa hơn nữa về mặt thủ tục hành chính để tạo lợi thế cạnh tranh FDI mạnh hơn. Chẳng hạn như với Singapore, khi muốn làm ăn ở đây, các nhà đầu tư chỉ mất 6 giờ và 14 USD lệ phí thì hoàn tất thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trong khi đó tại Việt Nam, các nhà đầu tư cần tới 6 tháng và 10.000 USD, cùng với các thủ tục hải quan vẫn rườm rà, đánh đồng nhiều loại hàng hóa có giá trị khác nhau, gây phiền hà cho nhà đầu tư. Những điểm yếu này hạn chế rất nhiều khả năng cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong khu vực, nhất là sau khủng hoảng kinh tế thế giới.

Mặt khác, tuy được coi là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng Việt Nam vẫn chưa huy động được các doanh nghiệp FDI đóng góp tương xứng cho nền kinh tế. Gần đây, nhiều dự án với vốn đăng ký hàng tỉ USD xuất hiện, nhưng lại đang nằm chờ hoặc có khả năng bị rút giấy phép vì chậm thực hiện của chủ đầu tư. Theo nhận định của các chuyên gia, dù đã trải qua hơn 20 năm kể từ khi thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, nhưng Việt Nam vẫn đang đối mặt với một thực trạng là chưa chủ động trong việc lựa chọn dự án FDI. Vài năm gần đây, hàng loạt dự án xây dựng các khu du lịch ven biển, nhưng khá nhiều dự án chỉ là để giữ đất chờ lên giá, hoặc bán đất kiếm lời. Điều này cho thấy thực trạng bất cập của các dự án đầu tư, nếu không có định hướng chiến lược thu hút rõ ràng.

N. MINH

Chia sẻ bài viết