 |
Vận chuyển hàng hóa tại cửa khẩu Tịnh Biên. |
Với lợi thế cửa ngõ và là trung tâm của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các nước trong khu vực thuộc khối ASEAN, An Giang đã xác định phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của tỉnh, nhằm từng bước đưa hoạt động kinh tế biên mậu trở thành vùng kinh tế trọng điểm...
VƯỢT QUA THỬ THÁCH
Năm 2008, mặc dù chịu sự tác động của cơn bão tài chính toàn cầu nhưng hoạt động kinh tế biên mậu của tỉnh An Giang vẫn giữ vững nhịp độ phát triển và có bước tăng trưởng ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong năm qua đạt khoảng 1,1 tỉ USD, tăng hơn 54,5% so với năm 2007, vượt xa con số 700 triệu USD mà tỉnh An Giang đã đề ra trong kế hoạch phấn đấu đến năm 2010.
Nhờ thực hiện tốt công tác quy hoạch, gắn với cải cách thủ tục hành chính, triển khai nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư, nên hoạt động biên mậu trên địa bàn tỉnh sôi động hơn và tăng dần qua từng năm. Tổng giá trị hàng hóa qua lại biên giới trong 5 năm, từ năm 2001-2005 đạt trên 1 tỉ USD, trong đó, tỷ trọng xuất khẩu chiếm hơn 96%, tốc độ tăng bình quân 24,5%/năm. Năm 2008, mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia nói chung và 2 tỉnh biên giới giáp ranh với An Giang là Tàkeo và Kandal nói riêng tiếp tục được khẳng định qua việc mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật nhất là lĩnh vực thương mại với tổng giá trị ngoại thương 2 chiều giữa Việt Nam và Campuchia lên 1,1 tỉ USD, chiếm gần 33% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Trong đó, xuất khẩu trực tiếp đạt trên 345 triệu USD, tăng 14,54% so với năm 2007 với các loại hàng hóa chủ yếu như: bách hóa tổng hợp, hàng tiêu dùng, nhiên liệu, phân bón, sắt thép, sản phẩm nhựa...
Năm 2008, sự phát triển trong trao đổi thương mại qua biên giới đã tạo ra thế và lực cho lĩnh vực kinh tế biên mậu ở An Giang. Điển hình là các chợ đầu mối tại các khu vực cửa khẩu đã từng bước định hình và phát triển mạnh với mức tăng trưởng từ 10-30% so với năm 2007, tạo một bước đệm cho hàng hóa trong nước xâm nhập thị trường Campuchia và đi sang các nước ASEAN. Theo thống kê của Ban điều hành phát triển kinh tế biên giới tỉnh An Giang, cơ cấu hàng hóa được các hộ kinh doanh buôn bán tại các chợ biên giới cửa khẩu, hàng do Việt Nam sản xuất luôn chiếm ưu thế đến 50%, kế đến là hàng Thái Lan 30%, Trung Quốc 10%, số còn lại là của các nước khác.
TRIỂN VỌNG KINH TẾ CỬA KHẨU
Để tạo đà cho kinh tế biên giới phát triển, cùng với việc thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, tỉnh An Giang còn triển khai nhiều chính sách với cơ chế thông thoáng nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư tại An Giang, nhất là đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh. Kết quả đã có 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng. Riêng khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên có 15 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng số vốn hơn 450 tỉ đồng, trong đó Công ty cổ phần đầu tư và thương mại SOHO-Nữu Ước đầu tư mở rộng 10 ha khu thương mại với kinh phí thực hiện 170 tỉ đồng; Công ty cổ phần bất động sản An Giang mở rộng khu thương mại với quy mô 50 ha, kinh phí thực hiện hơn 50 tỉ đồng; Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu An Biên đầu tư khoảng 40 tỉ đồng xây dựng khu gian hàng thương mại và khu ngoại quan thuộc khu bảo thuế Tịnh Biên. Và mới đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn Á Đông, thuộc Tập đoàn IPP cũng đã khởi công xây dựng Siêu thị miễn thuế nằm trong khu bảo thuế với kinh phí gần 100 tỉ đồng.
Tính đến nay, toàn bộ diện tích 66,5 ha thuộc Khu bảo thuế Tịnh Biên, bao gồm: khu sản xuất gia công hàng hóa 57,4 ha và khu dịch vụ hậu cần, thương mại quốc tế, triển lãm giới thiệu sản phẩm có diện tích 9,1 ha đã được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai thi công xây dựng các dự án đã đăng ký đầu tư. Song song đó, trụ sở các cơ quan liên quan cũng được xây dựng hoàn chỉnh và đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương biên mậu tại cửa khẩu Tịnh Biên phát triển.
Ông Lê Hữu Trang, Phó trưởng Ban Quản lý các khu kinh tế cửa khẩu An Giang, cho biết: Việc tập trung đầu tư và thu hút đầu tư của tỉnh vào khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên nhằm tạo ra một cú hích mạnh cho nền kinh tế tỉnh nhà. Trước mắt, đầu năm 2009, tỉnh đưa vào hoạt động và từng bước mở rộng khu thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí; đồng thời hoàn thành việc tạo quỹ đất khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương nhằm kêu gọi đầu tư khu đô thị, khu tiểu thủ công nghiệp, khu dịch vụ-thương mại; hoàn chỉnh quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Khánh Bình và chuẩn bị các điều kiện nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế khi hội đủ các điều kiện.
Tỉnh An Giang sẽ tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành để sớm đưa vào hoạt động các công trình trọng điểm phục vụ phát triển khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên. Phấn đấu năm 2009 sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 50% so với năm 2008, tương đương 1,6 tỉ USD, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế An Giang và khu vực phát triển nhanh, bền vững.
Bài, ảnh: THANH SỬ