18/06/2009 - 08:06

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII

Thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và 3 dự án luật

* Còn nhiều ý kiến khác nhau về việc lập và quản lý quỹ dịch vụ viễn thông công ích

Sáng 17-6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, thảo luận dự án Luật Viễn thông. Về cơ bản, dự thảo nhận được sự đồng tình của các đại biểu QH. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng dự án Luật cần thể hiện rõ, cụ thể hơn một số quan điểm, mục tiêu xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia; chính sách quản lý tài nguyên viễn thông quốc gia, chia sẻ và sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông; cạnh tranh và các quy định nhằm phát triển thị trường viễn thông...

Theo quy định của dự án Luật Viễn thông, cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông là cơ quan thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông, thực hiện chức năng tham mưu xây dựng cơ chế chính sách và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành về viễn thông, quản lý cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông trên phạm vi cả nước. Đa số các đại biểu đều thống nhất không nên lập một cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Chính phủ cũng như cơ quan thanh tra riêng mà các cơ quan này do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cho rằng nếu tách ra và lập một cơ quan riêng trực thuộc Chính phủ để quản lý viễn thông thì bộ máy quản lý Nhà nước lại thêm cồng kềnh, tốn kém. Nếu thành lập như vậy sẽ không phù hợp với xu hướng cải cách hành chính hiện nay. Cơ quan quản lý Nhà nước về viễn thông nằm trong Bộ Thông tin - Truyền thông là hợp lý nhưng cần quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn để khẳng định được tính độc lập trong hoạt động quản lý.

Một số đại biểu đồng tình với việc cần thiết phải lập Quỹ Viễn thông công ích trực thuộc Bộ Thông tin- Truyền thông, tiếp nhận đóng góp tài chính của các doanh nghiệp viễn thông và các nguồn tài chính khác để hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trên phạm vi cả nước. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng tán thành với việc cần thiết có loại quỹ này. Đại biểu cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh ở các tỉnh, thành phố đông dân cư mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng đối với vùng sâu,vùng xa cần có quỹ để hỗ trợ để phát triển dịch vụ viễn thông, đáp ứng nhu cầu người dân. Việc quản lý quỹ nên theo Luật Ngân sách do Bộ Tài chính quản lý, không nên giao cho Bộ Thông tin - Truyền thông, mà Bộ này chỉ quản lý về mặt chuyên môn, nghiệp vụ.

Về quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, các đại biểu thống nhất cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần phải có văn bản chỉ đạo tăng cường sự phối hợp liên Bộ, ngành và chỉ đạo UBND các địa phương đối với việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trên phạm vi cả nước, từ khâu quy hoạch các khu đô thị, thiết kế và thẩm định thiết kế các công trình xây dựng tại các địa phương đến việc tăng cường sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật liên ngành nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc phát triển hạ tầng CNTT-TT.

* Chiều 17-6, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XII và 3 dự án Luật: Lý lịch tư pháp; Quản lý nợ công và Quy hoạch đô thị với đa số phiếu tán thành.

QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XII, với tỷ lệ 88,44%.

Theo đó, bổ sung dự án Luật Thủ đô và Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XII. Trong chương trình chính thức năm 2010, 22 dự án Luật sẽ được trình QH thông qua, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Thuế nhà, đất; Nuôi con nuôi; Thi hành án hình sự; Trọng tài thương mại; Biển Việt Nam; Bưu chính; Tiếp cận thông tin; Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; An toàn thực phẩm; Người tàn tật; Thuế bảo vệ môi trường; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hợp tác xã; sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự; Tố tụng hành chính; Công đoàn (sửa đổi); Viên chức; Bộ luật lao động (sửa đổi, bao gồm cả vấn đề tiền lương tối thiểu và vấn đề việc làm); Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Khoáng sản (sửa đổi); Thanh tra (sửa đổi). QH cũng sẽ cho ý kiến 9 dự án luật; Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Chương trình chuẩn bị có 20 dự án luật.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật lý lịch tư pháp gồm 6 chương, 56 điều, quy định về trình tự, thủ tục cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp; lập Lý lịch tư pháp; tổ chức và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; cấp Phiếu lý lịch tư pháp, quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp với tỷ lệ 76,47%.

Luật quản lý nợ công gồm 7 chương, 49 điều quy định về quản lý nợ công, bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công đã được QH biểu quyết thông qua với tỷ lệ 90,47%

Với 89,25% số đại biểu tán thành, QH đã thông qua Luật quy hoạch đô thị gồm 6 chương, 76 điều, quy định về hoạt động đô thị, gồm lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị; tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị được duyệt.

Trước khi thông qua, QH cũng đã biểu quyết riêng đối với một số điều cụ thể như: yêu cầu đối với quy hoạch đô thị (điều 6); trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị (điều 19); thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị (điều 44); điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị (điều 47).

LƯU THỊ THOAN - THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết