19/08/2024 - 21:03

Tiễn biệt Giáo sư Võ Tòng Xuân 

Huỳnh Kim

GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học nông nghiệp khả kính của Việt Nam, vừa qua đời sáng 19-8-2024, ở tuổi 85. Tiễn biệt ông, xin kể vài câu chuyện về việc ông luôn thao thức làm cho nông dân ta giàu lên.

Giáo sư Võ Tòng Xuân và Đại úy Phạm Ngọc Trọng, Phó Giám đốc Nông trường Giồng Găng (Quân khu 9) trên một cánh đồng tràm ở Đồng Tháp Mười năm 1985. 

Mục đích sống của cuộc đời

GS.TS Võ Tòng Xuân sinh ra trong một gia đình nghèo ở Châu Ðốc, An Giang. Lúc nhỏ ông lên Sài Gòn tự lập để phụ cha mẹ nuôi các em và để có tiền đi học đến khi thành tài. Ông đã từng đi bán báo dạo dọc các bến xe đò, đêm đi dạy kèm cho học sinh luyện thi. Một ngày đầu tháng 4-1975, trong khi nhiều người rời đất nước, ông quyết định quay về Việt Nam ngay sau khi trình luận án tiến sĩ nông học ở Nhật.

Còn nhớ, trong một căn phòng làm việc chật chội ở Ðại học Cần Thơ hồi năm 1985, Giáo sư Xuân đã nói với chúng tôi: “Anh nghĩ coi, nông dân mình, hễ trời sụp tối là phủi sơ hai bàn chân khô sình đất, leo lên giường. Trong lúc đó, ở các nước tiên tiến, nông dân họ đi giày trong nhà, ngồi trước ti vi, lò sưởi hoặc đến các câu lạc bộ nông trang. Mà chắc chắn là họ không anh hùng hơn dân tộc mình, tài nguyên của họ không giàu hơn của mình”.

Rồi ông lại đăm chiêu: “Cây lúa ÐBSCL còn bề bộn công việc vây quanh nó. Lúa mùa, đất ngập mặn, nhiễm phèn, trình độ dân trí… Làm sao để tìm ra được giống lúa thích hợp kèm theo các kỹ thuật tương ứng? Tôi thao thức nhiều về những vùng đất hoang lớn ở đồng bằng này, mà nông dân thì họ bỏ đi, bám sống ven quốc lộ với tỷ lệ sinh đẻ quá cao, cứ như phó mặc cho số phận”.

Mười năm đầu sau ngày hòa bình 1975, hoạt động khoa học của GS.TS Võ Tòng Xuân, Phó Hiệu trưởng Ðại học Cần Thơ, chỉ nhằm một hướng: phát triển nông thôn. Ông đã linh động vượt qua nhiều thử thách trong cơ chế bao cấp lúc đó để làm cho được mục tiêu đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất. Ông tâm sự: “Sự giàu có của dân lao động các nước nghèo tài nguyên thiên nhiên mà tôi đã đi qua làm tôi nghĩ đến dân mình - những người chủ nghèo sống trên tài nguyên giàu có. Từ đó tôi đã xác định mục đích sống cho đời mình: phải đem hết tri thức để đóng góp cho đất nước, làm sao cho dân mình mau trở thành những người chủ giàu như dân các nước tiên tiến. Cách cơ bản nhất, theo tôi, là phải đào tạo con người có tri thức và lý tưởng để cùng tham gia phát triển
đất nước”.

Thời đó, người ta hay gặp ông và nhiều đồng nghiệp cùng hàng trăm sinh viên Ðại học Cần Thơ lặn lội qua hàng ngàn héc-ta ruộng lúa cháy rụi vì giặc rầy nâu, băng qua những cánh rừng tràm xơ xác vì thuốc khai hoang thời chiến tranh, những đồng cỏ năn dày mịt, hoang vắng mênh mông. Khi thì lội bì bõm, khi thì lắc lư trên chiếc xuồng nhỏ hoặc ngồi nghêu ngao trên những mui tàu đò; lúc đi xe đạp, lúc chạy xe gắn máy hay đeo cửa một chuyến xe đò nào đó trên các tuyến hương lộ đồng bằng.

Giáo sư Võ Tòng Xuân không chỉ đứng trên bục giảng hay trong phòng nghiên cứu khoa học của Ðại học Cần Thơ ở cương vị phó hiệu trưởng, mà còn tham gia nhiều tổ chức quốc tế, nhằm phục vụ ÐBSCL với phương châm: đào tạo kết hợp nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ khoa học vào phục vụ sản xuất, phát triển nông thôn. Ðó là thành công trong đào tạo kỹ sư trồng trọt và kỹ thuật viên nông nghiệp; trong lai chọn được những giống lúa kháng rầy nâu năng suất cao và kỹ thuật sử dụng đất phèn hợp lý; trong cách phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật thích hợp cho từng đối tượng, cả với người lãnh đạo và bà con nông dân ở ÐBSCL.

GS.TS Võ Tòng Xuân (thứ 4 từ trái qua), Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, chụp hình lưu niệm với các đại biểu trong một sự kiện của Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ảnh: B.NG

Có một dạo, Giáo sư Xuân đã lội khắp các vùng nhiễm mặn, ngập phèn trên những “nông trường lúa thể nghiệm tiến công vào đất hoang” của Nhà nước và Quân khu 9 ở Giồng Găng, Chọc Xây, Vàm Rầy, U Minh, An Biên… Và rồi, sau 2 năm nghiên cứu tâm huyết, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 7, đại biểu Võ Tòng Xuân đã kiến nghị nên ngừng lãng phí hàng trăm triệu đồng ở những nơi còn lâu mới trồng được lúa, để thay cho cây trồng khác. Bộ Nông nghiệp đã đồng ý, và cây tràm đã được sạ đại trà, trở về đúng chỗ của nó, đem lại nguồn lợi gấp nhiều lần trồng lúa.

“Không có đất xấu, chỉ có con người xấu vì không hiểu đất” - ông chia sẻ với chúng tôi như vậy vào một ngày cuối năm 1985 và ký tặng một tấm ảnh trắng đen nổi tiếng thời ấy của đồng nghiệp David Carling chụp cảnh ông và Ðại úy Phạm Ngọc Trọng, Phó Giám đốc Nông trường Giồng Găng, đang giơ cao cây tràm giữa cánh đồng tràm
mới sạ.

Đóng cửa trường ra đồng cứu lúa

Nhớ lại cái thời cả nước thiếu gạo, ÐBSCL bị dịch rầy nâu, Ðại học Cần Thơ tạm đóng cửa để ra đồng cứu lúa. Ông kể: “Ðó là một quyết định táo bạo. Trong lúc ruộng lúa cao sản của hàng trăm ngàn nông dân bị thiệt hại vì rầy nâu, không còn gạo để ăn mà phải ăn thân cây chuối xắt mỏng, biện pháp hữu hiệu nhất và ít tốn kém nhất là sử dụng giống lúa kháng rầy nâu phủ kín đồng bằng. Cách thực hiện cũng phải phù hợp với thực tế. Chiến thắng của nông dân ÐBSCL đối với con rầy nâu là một kỳ công làm cho các chuyên gia quốc tế đều thán phục.

Ðây là một sự phối hợp lực lượng rất độc đáo. Từ 5 gram hạt giống lúa IR36 gởi trong một bao thơ từ Viện Lúa Quốc tế ở Philippines, tôi và TS Nguyễn Văn Huỳnh đã thanh lọc tính kháng rầy và tiềm năng năng suất của IR36, sau đó nhân ra khoảng 2 tấn lúa giống. Lúc đó giặc rầy nâu khủng khiếp đang đốt cháy hầu hết các cánh đồng lúa cao sản trồng giống lúa cũ TN73-2 và IR26. Hàng trăm ngàn bà con nông dân điêu đứng; nhiều người bán hết, cả tủ thờ để đầu tư trừ rầy nâu nhưng vẫn thất bại, phải cột xuồng nối đuôi nhau đi sang các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau để mua gạo ăn.

Tôi đề nghị ban giám hiệu cho đóng cửa trường trong 2 tháng để chúng tôi cho sinh viên đem phổ biến giống lúa mới IR36 kháng rầy để cứu nông dân. Chú Bảy Phạm Sơn Khai, Bí thư Ðảng ủy, Hiệu trưởng Ðại học Cần Thơ, đã đồng ý cho thực hiện. Hơn 2.000 sinh viên nông nghiệp và sư phạm, sau 2 ngày được huấn luyện cấp tốc 3 phương pháp: sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy, và cấy lúa 1 tép/buội, đã ra quân dưới sự hướng dẫn của cán bộ Khoa Trồng trọt đến tất cả các địa phương đang có rầy nâu xuất hiện. Mỗi sinh viên mang 1 ký lúa giống IR36 để cấy ra 1.000m2, trái với tập quán của nông dân là phải cần đến 8-10 ký lúa giống. Cán bộ nông nghiệp ở các huyện, xã trong tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long và Cần Thơ bố trí cho từng sinh viên đến ruộng của nông dân đang gặp hại để chuẩn bị trồng giống lúa IR36 theo kỹ thuật mới.

Ba tháng sau, tất cả các ruộng IR36 chuẩn bị được gặt, nông dân phải ra đồng ngủ giữ lúa để không bị ăn cắp giống. Bà con đổi lúa giống cho nhau và tiếp tục nhân giống kiểu 1 tép/buội như sinh viên đã hướng dẫn, và chỉ trong 2 vụ lúa, giống mới IR36 đã phủ kín khắp các vùng lúa cao sản, đánh đuổi giặc rầy nâu, chấm dứt thảm họa của nông dân”.

Lấy người học làm trung tâm

Hồi năm 2013, ở tuổi 72, nhìn lại công cuộc đổi mới về kinh tế của đất nước, trả lời chúng tôi Giáo sư Xuân nhận xét: “Cũng con người này, đất nước này, nhờ có thay đổi chính sách một chút là có cải cách, có đổi mới. Từ một đất nước thiếu thốn đủ thứ, phải ăn gạo theo tem phiếu… trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới, dân mình đã khá hơn xưa. Nhưng, đến giờ đại bộ phận nông dân vẫn còn nghèo và thua thiệt. Cái chính của thời hội nhập là Nhà nước mình phải dám thay đổi thêm chính sách, cải cách và đổi mới mạnh hơn thì chúng ta mới có thể thắng được cái nghèo”.

Trăn trở về giáo dục, ông nói: “Sản phẩm giáo dục của nước ta còn nhiều hụt hẫng so với các nước tiên tiến. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng hệ thống giáo dục Việt Nam chưa phải là nơi tạo động lực tối hảo cho sự nghiên cứu và phát triển đất nước và chưa làm được nơi ươm mầm cho các tài năng xuất chúng của quốc gia. Ðổi mới giáo dục sẽ phải bắt đầu từ bậc phổ thông, lần lên đến bậc đại học, trong đó sự đổi mới phương pháp đào tạo tại đại học sư phạm đóng vai trò then chốt...”.

Cũng vào thời điểm đó, nói về tuổi trẻ, Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ: “Thanh niên ngày nay có thể bị mất phương hướng phấn đấu khi thấy những biểu hiện xã hội hiện nay. Nhiều em phân vân tự hỏi mình phấn đấu học giỏi làm gì khi tiềm năng đất nước rất giàu đẹp, hàng bao nhiêu người không cần học hành gì mà vẫn làm giàu nhờ biết cách sử dụng của cải của người khác? Nói thế chứ chúng ta không thể bắt chước người vi phạm mà cũng vượt đèn đỏ khi đến nút giao thông. Thanh niên chúng ta không nên buông trôi theo cách sống “chụp giựt” mà cần nên là một cá nhân kiểu mẫu để góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, tri thức thông thái trong tương lai. Phải có ước mơ là mình sẽ làm gì để góp phần xây dựng xã hội ấy, phải thích cái ước mơ ấy, tức là phải có cái tâm với nó.

Ðể thực hiện, trước nhất và cơ bản nhất là phải học thật và học giỏi, không học tắt để lên lớp hoặc để lấy bằng cấp. Trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc khó khăn, càng phải có nghị lực vượt khó, luôn tìm cơ hội để phát huy trong mọi hoàn cảnh, không để mình bị trói buộc bởi những trở ngại. Như thế thì thanh niên sẽ có tri thức và kỹ năng, từ đó mới có nhiều sáng kiến thực hiện ước mơ của mình. Nhưng thế chưa đủ. Có tâm và trí rồi, thanh niên phải dũng cảm tìm cách thực hiện những sáng kiến của chính mình để làm giàu và đồng thời tạo của cải giúp ích xã hội. Trong quá trình thực hiện ý tưởng ước mơ, thanh niên còn phải trong sạch, liêm chính, không tráo trở, gạt gẫm và tham nhũng với bất cứ ai. Tóm lại, người thanh niên mới của thời đại phải có tâm, trí, dũng, liêm”.

“Nông dân giàu thì nước ta giàu”

Tối 20-12-2023, Giáo sư Võ Tòng Xuân và người đồng nghiệp của ông ở Viện Lúa Quốc tế IRRI ngày nào, Giáo sư Gurdev Singh Khush, đã được vinh danh ở hạng mục Giải Ðặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Ðây là lần đầu tiên một nhà khoa học Việt Nam được trao giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế với sứ mệnh phụng sự nhân loại.

Chia sẻ về giải thưởng này tại buổi gặp mặt các nhà khoa học và tổng kết ngành khoa học năm 2023 của TP Cần Thơ vào ngày 29-12-2023, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết mục tiêu cuối cùng của ông là làm sao cho bà con trồng lúa có lợi tức khá hơn. Ông nói tiếp: “Thời đó, tôi không có nhiều bài báo đăng quốc tế như người ta nhưng tôi có những kết quả ngay trên đồng ruộng, nhờ đó mà nông dân sản xuất theo hướng dẫn kỹ thuật, theo kêu gọi của chính quyền địa phương, tránh được thiếu đói và đóng góp vào việc Việt Nam trở thành quốc gia đứng hàng thứ ba đầu thế giới về xuất khẩu gạo”.

Chia sẻ với chúng tôi về những điều đang còn trăn trở, tâm huyết với ÐBSCL, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Ông nói: “Bắt đầu từ năm 2023, Việt Nam đã có vài giống lúa ngắn ngày ngon cơm mà lại có thêm hương thơm như giống ST25 do nhóm Hồ Quang Cua lai tạo, được quốc tế vinh danh “gạo ngon nhất thế giới”. Ðiều này đã giúp nâng giá gạo lên cao hơn gạo trắng của Thái Lan, mở ra triển vọng giúp cho nông dân ta tăng lợi tức cao hơn trước, triển vọng thực hiện được lời nói của Bác Hồ”.

Nhưng theo ông, muốn tiềm năng thành hiện thực, Nhà nước, nhà khoa học và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần phối hợp tổ chức cho nông dân sản xuất theo quy trình công nghệ cao trên những cánh đồng lớn. Ðồng thời mong nông dân ta phải đổi mới để kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp có đầu ra bền vững.

“Người nông dân đổi mới mà đất nước ta cần trong thời đại này là những người nông dân, tuy diện tích đất manh mún, nhưng biết tự giác thỏa thuận đứng chung nhau trong những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để sẵn sàng liên kết với các doanh nghiệp lớn xây dựng vùng nguyên liệu kèm khu công nghiệp sản xuất rau quả chế biến, hoặc vùng công nghiệp thủy sản chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế” - Giáo sư Xuân nói.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng thường viết bài cho nhiều tờ báo và hay trao đổi thân tình, thẳng thắn với anh chị em làm báo. Còn nhớ, vào ngày 24-1-2016, ông đã gởi email trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc góp ý cho Ðại hội XII của Ðảng. Ông viết: “Ðã đến lúc các lãnh đạo của nước ta nên đổi mới tư duy. Giai đoạn “Tất cả cho an ninh lương thực” đã làm xong sứ mệnh lịch sử của nó, và nay cần chuyển sang giai đoạn làm giàu cho nông dân.

... Trong nhiệm kỳ Ðại hội XII này, chúng tôi mong Ðảng ta đổi mới tư duy cho nông dân được làm giàu...”.

Năm ngoái, ở cương vị Hiệu trưởng danh dự Trường Ðại học Nam Cần Thơ, Giáo sư Võ Tòng Xuân vẫn giữ phong cách sống giản dị, phương pháp làm việc hiệu quả như bao năm qua. Ông nói: “Tôi không giữ cho riêng mình những gì thu thập được. Phương pháp chính của tôi là làm cho nhiều người cộng tác hiểu và thực hiện được nội dung, kế hoạch công việc. Qua đó, mỗi ngày có thêm nhiều người cộng tác tốt hơn”.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân sinh ngày 6-9-1940 tại Châu Đốc, An Giang; công tác tại Đại học Cần Thơ từ 1971 đến 1999, sau đó làm Hiệu trưởng Đại học An Gang và Đại học Tân Tạo; hiện là Hiệu trưởng danh dự Đại học Nam Cần Thơ.
Ông được phong Giáo sư năm 1980, Anh hùng Lao động năm 1985, Nhà giáo Ưu tú năm 1990, Nhà giáo Nhân dân năm 1999. Ông đoạt nhiều giải thưởng quốc tế: Giải thưởng Derek Tribe về khoa học kỹ thuật năm 2005; Giải thưởng Nikkei Á Châu 2002 về tăng trưởng vùng; Giải thưởng Ramon Magsaysay về “Phục vụ Nhà nước” năm 1993; Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về “Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới” năm 1995; Huy chương “Kỵ mã nông nghiệp” của bộ Nông Lâm Thủy sản Pháp năm 1996; Huân chương “Mặt trời mọc” của Chính phủ Nhật Bản về quan hệ Nhật - Việt năm 2019; Giải thưởng Đặc biệt VinFuture 2003 về phụng sự nhân loại năm 2023.

Chia sẻ bài viết