14/05/2018 - 07:54

Thông điệp từ thùng phiếu! 

Chỉ có chưa tới 45% cử tri Iraq thực hiện quyền của mình trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 12-5 và đây là con số thấp kỷ lục, theo Ủy ban Bầu cử nước này. Kể từ khi Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003, chưa có cuộc bầu cử nào ở quốc gia Vùng Vịnh có tỷ lệ cử tri đến thùng phiếu dưới 60%.

Cử tri Iraq bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Baghdad. Nguồn: THX/TTXVN
Cử tri Iraq bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Baghdad. Nguồn: THX/TTXVN

Cuộc bầu cử lần này diễn ra ngay sau khi quân đội chính phủ đánh bại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS ) - lực lượng có lúc từng kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq. Vì vậy, giới chức đã tính đến chuyện người dân do lo sợ mà không dám đi bỏ phiếu, nên rầm rộ triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh.

Dù trên thực tế có xảy ra vài vụ bạo lực, nhưng giới quan sát cho rằng tỷ lệ đi bầu thấp không phải do cử tri lo sợ mà là vì họ thất vọng với các chính khách tham nhũng. Phần đông trong số các ứng viên chủ chốt lại là những gương mặt cũ. Một cử tri tên Fadel al-Zubaidi thổ lộ: “Có những người xấu trong chính phủ. Nếu họ tiếp tục ở lại, tình hình sẽ như cũ. Chúng tôi cần loại bỏ họ để đưa vào những gương mặt mới, những người được đào tạo bài bản hơn và dân chủ hơn”.

Theo Satar Jabar, một giáo sư đại học, đi bỏ phiếu đa phần là người già và phụ nữ. “Những người trẻ cảm thấy không có thay đổi gì. Hầu hết các ứng viên lừa gạt người dân bằng hành vi tham nhũng của mình”, ông nhận định.

Iraq hiện là một trong những quốc gia tham nhũng nhất hành tinh, đứng thứ 169/180 trong bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) mới nhất của tổ chức Minh bạch Quốc tế. Mặc dù có trữ lượng dầu lớn thứ 5 thế giới với 140 tỉ thùng nhưng cuộc sống của nhiều người dân Iraq vẫn rất khó khăn, khoảng 20% người dưới 30 tuổi không có việc làm.

Và ngay trước ngày bầu cử, Ủy ban Minh bạch của Quốc hội Iraq cho biết hơn 320 tỉ USD đã bị thất thoát kể từ năm 2003 do tham nhũng. Báo cáo của ủy ban này lấy ví dụ, chi phí thực tế để mua một trực thăng chưa tới 1 triệu USD nhưng đã được kê vống lên thành 13 triệu USD. Tham nhũng được cho là xảy ra gần như trong mọi hợp đồng của chính phủ.

Kết quả cuộc bầu cử quốc hội Iraq dự kiến sẽ được công bố vào hôm nay. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán để chọn ra thủ tướng có nhiệm vụ thành lập chính phủ mới có thể phải mất hàng tháng. Ngoài sự giằng co giữa những nhân vật ủng hộ Iran và các chính khách thân Mỹ, chính trường Iraq còn bị chia rẽ giữa cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số, người Hồi giáo dòng Sunni và người Kurd.

Nhưng dù ai trở thành thủ tướng đi nữa thì chống tham nhũng và tạo việc làm cũng là ưu tiên hàng đầu nếu muốn lấy lại lòng tin của người dân. Tỷ lệ đi bầu thấp kỷ lục là một thông điệp mạnh mẽ mà cử tri Iraq gởi tới giới lãnh đạo nước này.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết