02/07/2009 - 20:26

Thời tiết giao mùa, coi chừng sốt siêu vi

Bác sĩ BÙI HÙNG VIỆT
(Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ)

Thời điểm giao mùa mưa - nắng, trẻ dễ bị cảm sốt. Có trẻ cứ sốt đi sốt lại suốt cả tuần, đưa đến bác sĩ khám bệnh thì được chẩn đoán là sốt siêu vi, được cho về nhà điều trị ngoại trú. Có trẻ bị sốt, tiêu chảy, bác sĩ chẩn đoán là nhiễm siêu vi đường ruột, phải nhập viện điều trị nội trú. Nhiều bậc phụ huynh lo lắng không biết sốt siêu vi là gì, có nguy hiểm không, phòng và trị bệnh này như thế nào?

Trẻ bị nhiễm siêu vi đường ruột gây bệnh tiêu chảy được điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.
Ảnh: K. LOAN

Cháu N.M.Kh, 2 tuổi, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, đột nhiên bị sốt cao, bỏ ăn, quấy khóc. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ để khám bệnh. Qua tìm hiểu về chế độ ăn uống, sinh hoạt của bé kết hợp thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cháu Kh. bị nhiễm siêu vi đường hô hấp và cho điều trị ngoại trú. Biểu hiện của cháu Kh. rất tiêu biểu cho nhiều bệnh nhi bị nhiễm siêu vi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ vào các thời điểm thời tiết lạnh, giao mùa, nắng mưa thất thường.

Các biểu hiện chung thường thấy ở bệnh nhi nhiễm siêu vi là sốt cao 390C- 400C kèm theo mệt mỏi, đau cơ, đau họng, chán ăn, quấy khóc. Ở trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), khi sốt cao không được hạ sốt kịp thời, trẻ dễ bị co giật (làm kinh). Đáng lưu ý là khi trẻ bị co giật nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, thiếu oxi não, làm suy giảm trí tuệ hay nặng hơn là để lại di chứng nặng nề về não. Trường hợp trẻ sốt cao nên lau mát cho trẻ bằng cách dùng nước có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt trẻ 20C để lau trán, mặt, cổ, nách, bẹn, lưng, bụng trẻ. Không nên dùng nước đá hoặc nước quá lạnh, quá nóng để lau trẻ. Khi trẻ nóng sốt nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát. Có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt trước khi đưa trẻ đến bệnh viện. Nếu trẻ bị co giật thì phải cởi bỏ quần áo, lau mát và sử dụng thuốc hạ sốt qua đường hậu môn (nhét viên hạ sốt vào hậu môn).

Siêu vi có thể gây bệnh cảm cúm, sốt xuất huyết, viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, viêm gan... Và mỗi loại siêu vi có ái lực với những cơ quan khác nhau trong cơ thể người nên có thể gây ra những bệnh khác nhau. Sốt là biểu hiện của một bệnh nào đó, có thể nặng nhẹ tùy theo nhiều yếu tố như loại virus, độc lực virus... Vì vậy, khi trẻ sốt cao đột ngột thì phụ huynh cần hạ sốt cho trẻ, sau đó đưa trẻ đến bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị đúng bệnh và kịp thời.

Về nguyên tắc, bệnh nhân nhiễm siêu vi không có thuốc đặc trị mà chỉ điều trị hỗ trợ bằng cách nâng tổng thể trạng cho bệnh nhân, chống các cơn co giật, sốc (trong bệnh sốt xuất huyết)... hoặc điều trị các biến chứng nếu có. Trẻ sốt siêu vi thông thường có thể sẽ khỏi bệnh trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, không nên để trẻ sốt dẫn đến co giật nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Trường hợp trẻ sốt do bệnh sốt xuất huyết, sau 3 ngày, bác sĩ mới chỉ định thử máu, vì thời điểm này mới cho kết quả đúng. Vì vậy, trẻ sốt trong 1- 2 ngày đầu, phụ huynh không nên nóng lòng yêu cầu thử máu để xác định bệnh sốt xuất huyết. Tốt nhất là khi trẻ có dấu hiệu bệnh thì nên đưa đến bác sĩ và tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất.

Để phòng sốt siêu vi cho trẻ, phụ huynh nên thực hiện theo lời khuyên sau:

- Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng (cơm, cháo, thịt, trứng, đậu, rau củ quả, trái cây...), sinh hoạt, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý.

- Cho trẻ ăn chín, uống sôi; tạo môi trường ở thông thoáng, sạch sẽ, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ. Đối với trẻ mới biết bò, biết đi, nên rửa tay, chân thường xuyên cho trẻ, không để trẻ ngậm tay chân, đồ chơi đã rơi xuống nên nhà.

- Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, ra ngoài lúc mưa, nắng nóng, không nên để trẻ ở lâu trong phòng có máy lạnh.

Gia đình có cháu nhỏ cũng nên mua sẵn dụng cụ cặp nhiệt, thuốc hạ sốt dạng uống và dạng nhét hậu môn.

S. KIM (Ghi)

Chia sẻ bài viết