02/01/2008 - 10:06

Thời của đồng euro

Ngày 1-1-2008, với sự tham gia của Chypre và Malta, số quốc gia thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) được nâng lên con số 15. Đây được xem là bước ngoặt mới trong quá trình phát triển của đồng euro.

Khoảng 1,2 triệu người ở Chypre và Malta đang chuyển sang sử dụng đồng euro thay cho đồng bảng và lira nội địa. Để tránh xảy ra biến động trên thị trường, các ngân hàng thương mại ở hai đảo quốc Địa Trung Hải này bắt đầu công tác chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Chẳng hạn như tại Chypre, các ngân hàng một mặt dự trữ đồng euro, mặt khác lắp đặt khoảng 300.000 máy đổi tiền, đồng thời niêm yết giá hàng hóa bằng cả đồng bảng và euro từ tháng 10-2007.

 Tổng thống Chypre Tassos Papadopoulos rút tiền euro từ máy ATM. Ảnh: AP 
Mặc dù không ít người dân Chypre và Malta lo ngại lạm phát gia tăng sau khi chuyển sang sử dụng đồng euro, nhưng các nhà lãnh đạo hai nước này tỏ ra rất lạc quan. Bộ trưởng Tài chính Chypre Michalis Sarris cho rằng kinh tế Chypre sẽ được nhiều hơn mất khi tham gia khu vực đồng tiền chung. Thủ tướng Malta Lawrence Gonzi thì hồ hởi cho biết người dân nước này ngày càng ủng hộ đồng euro.

Sự lạc quan của các nhà lãnh đạo Chypre và Malta dựa trên cơ sở đồng euro ngày càng mạnh. Khi chính thức đưa vào sử dụng đầu năm 2002, đồng euro không mấy được ưa chuộng. Trong giai đoạn chuyển tiếp năm 2000 (đồng euro ra đời năm 1999), 1 euro chỉ đổi được 0,82 USD. Tuy nhiên, sau một thời gian, đồng euro bắt đầu khẳng định “sức mạnh” và liên tục tăng giá. Riêng năm 2007, đồng euro tăng hơn 11% so với USD. Hiện 1 euro đổi được khoảng 1,4599 USD, tăng 79% so với mức thấp nhất hồi năm 2000. Việc thâm hụt ngân sách và thương mại của Mỹ gia tăng cùng với việc FED giảm lãi suất thời gian gần đây càng làm cho USD mất ưu thế so với đồng euro.

Trong bối cảnh USD ngày càng mất giá, euro bắt đầu trở thành đồng tiền được nhiều ngân hàng trung ương quan tâm, trong đó có những nước dự trữ ngoại tệ hàng đầu thế giới. Nga, đứng thứ ba thế giới về dự trữ ngoại tệ với 475 tỉ USD, đã tăng tỷ lệ dự trữ bằng euro từ 30% lên 35%, đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bằng USD từ 70% xuống 65%. Các nước Venezuela, Iran, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Indonesia... cũng tuyên bố sẽ chuyển một phần dự trữ ngoại tệ sang đồng euro. Theo thống kê mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong tổng số hơn 6.000 tỉ USD dự trữ ngoại tệ toàn cầu, dự trữ bằng USD giảm chỉ còn 63,8% từ mức 65% hồi giữa năm 2007. Với xu hướng đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ của các nước, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) cho rằng đồng euro có thể chiếm tới 80% tổng dự trữ toàn cầu vào năm 2020. Viễn cảnh này có thể xảy ra nếu các nước còn lại trong Liên minh châu Âu (EU) chuyển sang sử dụng đồng euro và USD tiếp tục xuống giá.

N.MINH (Theo Reuters, AFP, AP)

Chia sẻ bài viết