Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (ảnh) vừa quyết định trục xuất đại sứ Mỹ và 9 nước phương Tây khác vì kêu gọi thả nhà hoạt động Osman Kavala bị cáo buộc dính líu đảo chính.

“Tôi đã lệnh cho Ngoại trưởng lập tức tuyên bố không chào đón 10 đại sứ này. Phải giải quyết ngay. Họ sẽ biết và hiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày nào họ chưa biết và hiểu Thổ Nhĩ Kỳ, họ phải rời khỏi”, ông Erdogan quả quyết.
Các đại sứ bị trục xuất đến từ Mỹ, Ðức, Canada, Ðan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hà Lan, New Zealand, Na Uy và Thụy Ðiển. Bảy người trong số đó là đại diện của các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Vụ trục xuất, nếu thật sự diễn ra, sẽ gây rạn nứt thêm quan hệ vốn đã không êm đẹp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên còn lại trong NATO sau vụ Ankara bất chấp phản đối vẫn mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Trước đó, các đại sứ nói trên đã ra tuyên bố chung hối thúc Ankara giải quyết nhanh chóng và công bằng vụ án Kalava. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triệu tập các vị này và gọi tuyên bố chung là vô trách nhiệm.
Osman Kalava, 64 tuổi, là doanh nhân và nhà hoạt động xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đối mặt với một loạt cáo buộc liên quan các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2013 và âm mưu lật đổ Tổng thống Erdogan bất thành năm 2016. Ông này phủ nhận các cáo buộc và bị giam 4 năm qua.
Trước mắt, Ðại sứ quán Mỹ và Pháp chưa bình luận về quyết định trục xuất.
Trong khi đó, Na Uy cho hay đại sứ quán của họ không nhận được bất kỳ thông báo nào từ nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ. Người đứng đầu bộ phận truyền thông của Bộ Ngoại giao Na Uy Trude Maaseide cho rằng: “Ðại sứ của chúng tôi đã không làm bất cứ điều gì đáng bị trục xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ các tiêu chuẩn dân chủ và pháp quyền mà nước này đã cam kết theo Công ước Nhân quyền châu Âu”.
Ngoại trưởng Ðan Mạch Jeppe Kofod cũng nói rằng cơ quan này chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào nhưng vẫn đang liên lạc với các đồng minh.
Theo Reuters, động thái của Tổng thống Erdogan có thể là nhằm gửi thông điệp cho Washington. Ông Erdogan gần đây cho biết có kế hoạch gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Ý vào cuối tháng 10. Trước đó, có tin ông Biden đã từ chối gặp ông Erdogan bên lề cuộc họp Ðại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tại Mỹ hồi tháng 9.
Ông Erdogan (67 tuổi) trở thành Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003, tới năm 2014 ông đắc cử tổng thống và mọi quyền hành đều chuyển về phủ tổng thống nhờ sửa đổi hiến pháp (việc sửa đổi hiến pháp cũng cho phép ông có thể tại vị tới năm 2029). Sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016, hàng chục ngàn người đã bị bắt giữ. Việc nhiều binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán, nhà báo, bác sĩ và công chức bị sa thải hoặc giam cầm đã làm dấy lên quan ngại từ các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ, rằng ông Erdogan đã đi quá xa trong khi xử lý tình hình.
Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập Liên minh châu Âu từ rất lâu nhưng vấn đề nhân quyền và tôn giáo là 2 rào cản chính. Ông Erdogan được cho là nuôi tham vọng đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành lãnh đạo thế giới Hồi giáo.
|
QUỐC KHÁNH (tổng hợp)