27/12/2018 - 07:01

Thổ Nhĩ Kỳ có đủ sức “bứng gốc” IS? 

Mỹ rút toàn bộ 2.000 binh sĩ khỏi Syria sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ dễ bề hành động hơn. Hôm 25-12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định bản thân Ankara có khả năng vô hiệu hóa tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, điều này đang bị đặt dấu hỏi.

Các chiến binh người Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Ảnh: AFP
Các chiến binh người Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định gây sốc trên sau khi người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thuyết phục chủ nhân Nhà Trắng rằng Ankara có thể xóa sổ tàn quân IS. Thật ra, mục tiêu chính của ông Erdogan ở Syria là nhắm vào những chiến binh thuộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG). Trong khi YPG được Washington huấn luyện để đi đầu trong cuộc chiến chống IS, thì lâu nay Ankara xem đây là mối đe dọa lớn, có thể thổi bùng tham vọng ly khai của bộ phận người Kurd thiểu số bên trong đất nước họ. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một nhánh “khủng bố” người Syria của đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn nổi dậy chống Ankara từ năm 1984.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ liên tục kêu gọi Mỹ ngừng huấn luyện và trang bị vũ khí cho YPG với lập luận rằng các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng loại trừ mối đe dọa IS. Dù vậy, giới phân tích hoài nghi tuyên bố này của Thổ Nhĩ Kỳ. Nicholas Heras, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu New American Secutiry, nhận định: “Ankara hiện không có một lực lượng nổi dậy Syria đủ lớn và kinh nghiệm hoặc hợp pháp để kiểm soát phía Đông Syria. Cho dù được Mỹ tiếp sức, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ mất nhiều tháng để huy động lực lượng hùng hậu như thế”.

Ngoài ra, những nhóm kháng cự cuối cùng của IS thực sự nằm ở miền Đông và Trung Syria, cách xa các khu vực phía Bắc của quốc gia Trung Đông này đến hàng trăm kí-lô-mét trong khi đây lại là những nơi quen thuộc đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng như lực lượng nổi dậy Syria. Theo Sinan Ulgen, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và Kinh tế, khoảng cách giữa những nhóm tàn quân IS và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra “vấn đề hậu cần”, nên ông cũng không rõ bằng cách nào Ankara có thể phát động chiến dịch quân sự ở khoảng cách xa như thế.

Mặt khác, Lina Khatib - Giám đốc Chương trình Bắc Phi và Trung Đông - cho rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ một mình chống IS và sau đó bỏ lại cuộc chiến cho những lực lượng “yếu thế” hơn các phần tử cực đoan, thì tình hình sẽ rất đáng lo ngại. Nó sẽ khiến Ankara mong manh trước các cuộc tấn công trả đũa của IS. Những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ từng bị rung chuyển bởi một loạt vụ tấn công khủng bố mà thủ phạm là IS.

Cũng liên quan đến các cuộc tấn công chết người, hôm 25-12, IS đã thừa nhận tiến hành vụ xả súng và đánh bom tự sát tại trụ sở Bộ Ngoại giao Libya ở Thủ đô Tripoli trước đó cùng ngày, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 21 người bị thương.

Cùng ngày, IS cũng nhận trách nhiệm gây ra vụ đánh bom xe tại thành phố Tal Afar thuộc phía Bắc Iraq, từng là thành trì của nhóm Hồi giáo cực đoan này, khiến 2 người chết và 11 người bị thương.

THANH BÌNH (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Thổ Nhĩ KỳIS