22/08/2024 - 08:02

Thiết thực hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế 

Hệ thống chính trị xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai đã thực hiện các biện pháp tích cực hỗ trợ đoàn viên, hội viên, nhân dân phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống nhân dân không ngừng nâng lên, số hộ nghèo trên địa bàn xã giảm qua từng năm. Giai đoạn 2019-2023, xã có 50 hộ thoát nghèo.

Cán bộ Khối Dân vận xã Tân Thạnh tham quan, tìm hiểu mô hình trồng sầu riêng hiệu quả của hội viên phụ nữ.

Hợp tác xã (HTX) Thuận Phát chuyên trồng thanh nhãn, là một trong những mô hình kinh tế tập thể hiệu quả ở địa phương. Theo ông Huỳnh Ngọc Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Tân Thạnh, tiền thân của HTX là tổ hợp tác (THT) làm vườn, do HND xã thành lập.

Từ hiệu quả của mô hình, năm 2018, HTX Thuận Phát được ra đời, với 17 thành viên canh tác trên diện tích 25,6ha. Ông Nguyễn Đại Giao, Giám đốc HTX, cho biết: “Hiện nay, mỗi công thanh nhãn, sau khi trừ chi phí, người trồng có thể lãi khoảng 30 triệu đồng/năm. Đặc biệt, HTX có đầu ra ổn định, anh em rất yên tâm sản xuất”.

Anh Trần Minh Tiến, thành viên HTX Thuận Phát, cho biết: “Tôi có 10 công đất trước kia làm ruộng, chỉ đủ ăn chứ không “có dư”. Sau này, được cán bộ HND xã tuyên truyền, vận động, tôi chuyển toàn bộ diện tích sang trồng thanh nhãn. Tham gia HTX, tôi được hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nhãn theo hướng sạch, an toàn. Hiện nay, vườn nhãn gia đình tôi có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm”.

Mô hình trồng sầu riêng cũng giúp nhiều hộ tăng thu nhập. Anh Trần Văn Quyền, hội viên nông dân xã, kể gia đình anh có 4 công đất, trước kia làm ruộng chỉ đủ ăn. Được sự tuyên truyền, vận động của HND, năm 2018, anh chuyển toàn bộ diện tích sang trồng sầu riêng Ri 6. Anh được hỗ trợ vay vốn để đầu tư sản xuất. Hiện nay, trung bình mỗi công sầu riêng mang về cho gia đình anh Quyền khoảng 80-100 triệu đồng/năm.

Hơn 5 năm trước, gia đình chị Trần Thị Diệu Hiền, hội viên phụ nữ xã, cũng mạnh dạn chuyển đổi 11 công đất vườn tạp sang trồng sầu riêng chuyên canh, với giống Ri 6. Chị Diệu Hiền bộc bạch: “Trong thời gian chờ sầu riêng lớn, tôi trồng xen hạnh “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay, vườn sầu riêng cho trái được 2 vụ. Vụ mới nhất, trừ chi phí, gia đình thu về hơn 250 triệu đồng. Nhờ trồng sầu riêng, kinh tế gia đình tôi ổn định, có điều kiện nuôi 2 con học đại học”.

Theo đồng chí Hồ Ngọc Cẩm Tú, Trưởng Khối Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã, năm 2019, toàn xã có 55 hộ nghèo. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giúp người dân nâng cao mức sống, Đảng ủy chỉ đạo UBND, Khối Dân vận và các đoàn thể xã giúp đoàn viên, hội viên và nhân dân xây dựng mô hình hiệu quả; chú trọng tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Song song đó, các đoàn thể còn quản lý hiệu quả 17 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 33 tỉ đồng, hỗ trợ đoàn viên, hội viên, nhân dân vay vốn ưu đãi để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ. Qua đó, nhiều hộ vượt khó vươn lên thoát nghèo, nâng cao mức sống. Giai đoạn 2019-2023, xã có 50 hộ thoát nghèo. Hiện nay, địa phương còn 5 hộ nghèo. Mới đây, qua khảo sát, dự kiến đến cuối năm 2024, xã Tân Thạnh sẽ có thêm 3 hộ thoát nghèo.

Trước kia, kinh tế gia đình của chị Cao Thị Mỹ Tuyền, hội viên phụ nữ xã Tân Thạnh, rất khó khăn. Vợ chồng không đất sản xuất, chủ yếu làm thuê kiếm sống, có 2 con nhỏ. Chị Tuyền được Hội Phụ nữ hỗ trợ vay vốn làm bánh tráng truyền thống (các loại bánh tráng ngọt, bánh tráng dừa).

Bên cạnh đó, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi do Hội hỗ trợ vay, gia đình chị Tuyền còn mở thêm cửa hàng kinh doanh gạo, gas để tăng thu nhập. Chị Mỹ Tuyền nói: “Hiện tại, kinh tế gia đình ổn định, thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng, tôi có điều kiện chăm lo cho việc học hành của các con đầy đủ hơn. Năm nay, con lớn vừa trúng tuyển vào đại học, con út lên lớp 11”.

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thới Lai, nhận xét: “Hệ thống chính trị xã Tân Thạnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Khối Dân vận đã tham mưu Đảng ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở xã, chỉ đạo các đoàn thể tổ chức cho đoàn viên, hội viên tham quan thực tế, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất. Qua đó, nhân dân đã lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình để thực hiện, nhiều hộ có mức sống cao hơn, vươn lên khấm khá”.

Bài, ảnh: HẢI THƯ

Chia sẻ bài viết