18/10/2021 - 10:40

Thị trường lúa giống sôi động sớm 

Thời điểm này, nông dân TP Cần Thơ đã tìm mua lúa giống để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2021-2022. Sức mua lúa giống trên thị trường tăng mạnh, hoạt động của nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lúa giống trên địa bàn thành phố khá sôi động.

Giá lúa giống tăng

Giá bán lẻ nhiều loại lúa giống trên thị trường như: OM 5451, OM 18, Ðài Thơm 8, ST 24… hiện tăng từ 500-2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Giá lúa giống tăng và đang ở mức cao không chỉ do giá lúa hàng hóa tăng mà còn do sản xuất lúa giống tốn nhiều chi phí. Ðặc biệt, để có lúa giống bán vào thời điểm này, đơn vị, doanh nghiệp phải chủ động sản xuất lúa giống từ các vụ lúa trước và tồn trữ, bảo quản trong kho một thời gian dài nên tốn chi phí rất lớn. Trong khi đó, các vụ lúa đông xuân 2020-2021 và hè thu vừa qua, giá lúa hàng hóa đã tăng lên ở mức khá cao so với cùng kỳ các năm trước. Thời gian qua sản xuất lúa giống gặp khó và phát sinh thêm các chi phí do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện nay, sức mua tăng mạnh, trong khi nguồn cung một số loại lúa giống hạn chế, chưa đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu cũng tạo điều kiện cho giá nhích lên hoặc duy trì ở mức cao.

Lúa giống được bày bán tại một cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Ngày 14-10, giá lúa giống Ðài Thơm 8, Jasmine 85, VD 20 và OM 5451 cấp xác nhận đang được nhiều trại giống và cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang… bán ra ở mức 12.000-18.300 đồng/kg. Còn giá lúa giống ST 24 và ST 25 cấp xác nhận có giá lên đến 21.000-22.000 đồng/kg. Các giống lúa như: IR 50404, OM 380, OM 9577, OM 9582, OM 4900, OM 6976, OM 18… cấp xác nhận có giá phổ biến từ 11.000-16.000 đồng/kg. Hiện giá bán lúa giống giữa các hộ dân, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp chênh lệch đáng kể, có thể lên đến 2.000-3.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Ðơn cử, cùng một loại giống Jasmine 85 nhưng có những hợp tác xã và cơ sở kinh doanh lúa giống chỉ bán giá 12.000-13.000 đồng/kg, còn có những đơn vị, doanh nghiệp bán với giá 14.500-15.000 đồng/kg. Sự chênh lệch giá giữa các đơn vị, doanh nghiệp do có chi phí sản xuất và kinh doanh khác nhau, cũng như giá bán còn chịu tác động từ các yếu tố lợi nhuận và uy tín, thương hiệu của các đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, lúa giống bán được giá cao thường tập trung vào những điểm bán hàng của các cửa hàng kinh doanh và doanh nghiệp lớn có uy tín, với sản phẩm lúa giống có bao bì thương hiệu rõ ràng và được đăng ký bản quyền. Riêng những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm không có bao bì thương hiệu hoặc sản phẩm lúa giống được các hợp tác xã và hộ dân tự sản xuất có dư một phần để chia lại cho bà con sử dụng giá thường thấp hơn dù quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng giống.

Ông Ðào Huỳnh ngụ ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Hơn 1 tháng nữa mới gieo sạ lúa vụ đông xuân, nhưng tôi đã mua lúa giống và vệ sinh đồng ruộng sẵn sàng cho vụ lúa quan trọng nhất trong năm. Vụ tới tôi dự kiến sạ lúa Ðài Thơm 8 và cũng đã tìm đến một cơ sở sản xuất giống có uy tín để mua lúa giống cấp xác nhận, với giá 13.000 đồng/kg”.

Nông dân quan tâm giống chất lượng

Nông dân ngày càng quan tâm sử dụng nguồn giống chất lượng và sản xuất các loại lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao, bán sản phẩm được giá cao. Theo anh Huỳnh Quốc Nhựt, chủ cơ sở bán lúa giống Quốc Nhựt ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, nông dân đã đặt ưu tiên đầu tư mua giống lên hàng đầu vì mức đầu tư không đáng kể so với nhiều chi phí đầu vào khác nhưng nó có ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất, chất lượng lúa gạo hàng hóa. Trong quá trình chọn mua giống, nông dân chọn lựa các loại giống có bao bì, thương hiệu, nơi sản xuất rõ ràng đảm bảo chất lượng và hạn chế mua lúa giống “bao trắng”. Anh Nhựt cũng cho biết: “Năm nay, người dân đã chủ động mua lúa giống cho vụ đông xuân từ khá sớm và sức mua đã tăng mạnh trong những tuần qua. Dự kiến khoảng gần giữa tháng 11-2021 (tức khoảng mùng 10 tháng 10 âm lịch) nông dân mới xuống giống gieo sạ vụ đông xuân nhưng ngay từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2021 đã có nhiều nông dân đi mua lúa giống. Nhờ sức mua tăng và tôi đã chủ động liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất giống để chuẩn bị nguồn hàng từ khá sớm, vụ này lượng giống tôi bán ra có thể đạt trên 400 tấn”.

Theo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống ở TP Cần Thơ, sức mua nhiều loại lúa giống đã tăng gấp 2-4 lần so với hồi cuối tháng 9-2021. Vụ đông xuân 2021-2022, đa phần nông dân lựa chọn sản xuất các giống lúa thơm, đặc sản và chất lượng cao nên sức mua nhóm giống này đang tăng rất mạnh. Riêng giống lúa IR 50404 và một số loại giống lúa thuộc nhóm giống có chất lượng trung bình đang có sức mua khá yếu. Dự báo, tới đây khi cận vụ sản xuất, sức mua nhiều loại lúa giống còn tăng cao và khả năng một số loại lúa giống sẽ không đủ hàng để bán. Ðặc biệt, hiện nay nông dân tập trung chọn sạ giống lúa Ðài Thơm 8 và OM 5451 nên nhiều cơ sở kinh doanh giống rất khó có đủ hàng để bán, nhất là khi các giống lúa này thuộc bản quyền của doanh nghiệp, các cơ sở giống muốn phát triển sản xuất kinh doanh phải được sự đồng ý của doanh nghiệp. Dù vậy, trên thị trường hiện vẫn có rất nhiều giống lúa thơm, chất lượng cao khác cho nông dân lựa chọn sản xuất để có nguồn giống chất lượng nhưng giá cả không quá cao.

Vụ lúa đông xuân 2021-2022, vùng ÐBSCL dự kiến gieo sạ 1,52 triệu héc-ta lúa, trong đó TP Cần Thơ có kế hoạch gieo sạ hơn 76.290ha và thành phố dự kiến thời vụ xuống giống gồm 2 đợt chính, đợt 1 từ ngày 8-11 đến 14-11-2021 (nhằm ngày 4-10 đến 10-10 âm lịch) và đợt 2 từ 28-11 đến 4-12-2021 (nhằm 24-10 đến 1-11 âm lịch). Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, để hỗ trợ nông dân sản xuất thắng lợi vụ lúa đông xuân 2021-2022, thành phố không chỉ quan tâm theo dõi sát tình hình khí tượng thủy văn để xây dựng lịch thời vụ phù hợp, chỉ đạo các địa phương tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn nông dân xuống giống chủ yếu các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm và làm tốt công tác kết nối cung cầu vật tư và tiêu thụ lúa ngay từ đầu vụ. Sử dụng nguồn giống chất lượng, giống cấp xác nhận trở lên gắn với tăng cường cơ giới hóa trong khâu gieo cấy để giảm lượng sử dụng giống.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ Trần Thái Nghiêm, trong các vụ lúa vừa qua, tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận trở lên tại thành phố chiếm hơn 80%. Nông dân sử dụng giống có nguồn gốc từ các cơ quan, công ty, doanh nghiệp và các nông hộ sản xuất giống xác nhận. Còn tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy đã đạt hơn 95% trên tổng diện tích trồng lúa.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết