|
Lực lượng an ninh Trung Quốc nỗ lực ngăn người biểu tình toan xông vào Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh ngày 15-9. Ảnh: Reuters |
Căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc quanh việc đòi chủ quyền quần đảo mà phía Nhật gọi là Senkaku, phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư lại leo lên nấc thang nguy hiểm mới. Những cuộc biểu tình quá khích của người Trung Quốc trước các cơ sở ngoại giao của Nhật, chuyện các nhà hoạt động chống Nhật ở Hồng Công một lần nữa lập kế hoạch tới Điếu Ngư vào tuần tới và việc Trung Quốc cử nhiều tàu hải giám cùng lúc tiến tới gần vùng tranh chấp được coi như những “mồi lửa” làm trầm trọng thêm cuộc đối đầu giữa hai nước.
Bạo động trước sứ quán Nhật ở Bắc Kinh
Hãng tin Anh Reuters cho biết từ sáng sớm hôm qua, hàng trăm người Trung Quốc đã biểu tình trước Đại sứ quán Nhật ở Thủ đô Bắc Kinh, ném nhiều đồ vật vào tòa đại sứ, buộc chính quyền địa phương phải huy động lực lượng cảnh sát đến bảo vệ, kiềm chế hành động quá khích của người biểu tình.
Theo Reuters, cuộc biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc bùng phát dữ dội từ hôm thứ Ba tuần này, sau khi Chính phủ Nhật Bản phớt lờ những cảnh báo từ phía Trung Quốc về việc tiến hành các cuộc thương thảo mua lại quần đảo Senkaku từ một gia tộc người Nhật.
Ở Thượng Hải, các con đường quanh lãnh sự quán Nhật hôm 15-9 cũng tràn ngập người biểu tình. Hàng trăm cảnh sát Trung Quốc cũng đã được huy động đến chia nhỏ nhóm người biểu tình nhằm ngăn chặn những hành động đáng tiếc có thể xảy ra. Reuters cho biết, một số người biểu tình đã “cắm trại” ở phía Đông Bắc Kinh từ hơn một tuần qua nhằm biểu thị thái độ chống Nhật.
Giới ngoại giao cho rằng Tokyo và Bắc Kinh muốn kiềm chế căng thẳng, không để nó vượt ngoài tầm kiểm soát, nhưng trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị cho việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo mà “một thập niên mới có một lần” và cuộc bầu cử đang đến gần ở Nhật Bản, cũng như việc mất niềm tin lẫn nhau một cách sâu sắc giữa hai nước, thì việc kiểm soát “những mồi lửa thù hận” bị khơi dậy từ tinh thần dân tộc, không để chúng bùng phát, cháy lan thật chẳng đơn giản.
Lại muốn “dong thuyền” tới Điếu Ngư
Có thể nói, quần đảo không người ở đã trở thành trung tâm làm “nóng” mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh từ năm 2010, sau khi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng một tàu đánh cá của Trung Quốc va chạm với lực lượng tuần duyên Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Mối quan hệ ấy dần xấu đi sau khi các nhà hoạt động Hồng Công (Trung Quốc) bị nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ và trục xuất về nước với cáo buộc “xâm nhập trái phép” quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 8 vừa qua. Hôm 14-9, thủ lĩnh nhóm người này, ông Chan Miu-tak tuyên bố nhóm của ông sẽ trở lại Điếu Ngư bằng thuyền vào tuần tới.
Lo Chau, chủ thuyền và thành viên nhóm các nhà hoạt động theo chủ nghĩa dân tộc nói trên, cho biết: “Vì chính phủ (Trung Quốc) đã cho phép chúng tôi, nên chúng tôi có thể dong thuyền tới Điếu Ngư trong một hoặc hai ngày nữa”.
Tàu hải giám Trung Quốc bị tố xâm nhập lãnh hải Nhật Bản
Tranh chấp quanh việc kiểm soát các hòn đảo nhỏ và vùng biển quanh chúng ngày càng dữ dội khi báo Bưu điện Washington hôm qua cho biết Tokyo lên tiếng tố 6 tàu hải giám của Trung Quốc “xâm nhập” lãnh hải của Nhật ngày 14-9. Lực lượng tuần duyên Nhật đã yêu cầu các tàu này rút đi, trong khi phía Trung Quốc tuyên bố họ có mọi quyền để xuất hiện trên vùng biển đó.
Theo giới quan sát, đây là lần đầu tiên tàu hải giám Trung Quốc đến gần Điếu Ngư/Senkaku kể từ khi Nhật tuyên bố quốc hữu hóa một phần quần đảo này hôm 11-9 vừa qua. Đó cũng là số lượng tàu hải giám đông đảo nhất của Trung Quốc cùng lúc xâm nhập lãnh hải tranh chấp với Nhật.
Trước động thái nói trên của Trung Quốc, Tokyo đã triệu Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa đến để phản đối. Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba cũng cắt ngắn chuyến thăm Úc để quay về ứng phó. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ không bao giờ để cho tình hình leo thang. Chúng tôi hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ đáp lại tình hình một cách phù hợp và bình tĩnh” - ông Gemba nói với các nhà báo tại Úc.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp Nội các hôm 14-9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda yêu cầu “áp dụng tất cả các biện pháp có thể để đảm bảo an ninh quanh quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông”.
NHẬT QUANG
(Theo Reuters, Kyodo và Washington Post)