17/05/2010 - 22:08

Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP quốc tế Việt Nam:

Thêm nguồn vốn mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

 

Trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa, đang “khát vốn” và nguồn cung vốn từ các ngân hàng ngày càng hạn chế thì nguồn vốn đến từ Dự án tài trợ các DN nhỏ và vừa (SMEFP) được quan tâm hơn bao giờ hết. Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB), một trong những đại diện cho phía các ngân hàng tham gia ký thỏa thuận khung Dự án SMEFP giai đoạn 3, cho biết:

- Dự án SMEFP là một kế hoạch cho vay lại dựa theo thỏa thuận vay giữa Chính phủ Việt Nam và Văn phòng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan điều hành dự án, thông qua các định chế tài chính trong nước nhằm tài trợ vốn cho các DN nhỏ và vừa tăng cường sức cạnh tranh trong nền kinh tế.

Để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn theo quy định của Dự án SMEFP vay vốn với lãi suất ưu đãi, tháng 3-2010, VIB đã ký thỏa thuận khung Dự án SMEFP giai đoạn 3 với Ban quản lý các Dự án quốc tế thuộc Ngân hàng Nhà nước để tài trợ vốn trung và dài hạn cho các DN nhỏ và vừa. Đây cũng chính là đối tượng khách hàng trọng tâm mà VIB hướng đến trong năm 2010. Đợt giải ngân đầu tiên, VIB được Ban quản lý các dự án quốc tế thuộc Ngân hàng Nhà nước phân bổ 80 tỉ đồng, hạn mức này sẽ được nâng lên sau khi VIB giải ngân hết lần 1.

* Đối tượng DN nào và DN phải làm gì để có thể tiếp cận nguồn vốn từ Dự án SMEFP giai đoạn 3, thưa ông?

Các DN chế biến thủy hải sản cũng là một trong những nhóm khách hàng được ưu đãi vay vốn từ dự án SMEFP giai đoạn 3. Ảnh: THANH LONG 

- Theo quy định, Dự án SMEFP đặc biệt xem xét các khoản đầu tư trung và dài hạn để DN đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị thuộc các ngành nghề như sản xuất, khai khoáng, nông-lâm-ngư nghiệp, xây dựng, cơ khí, phân phối, kho bãi, bán buôn, bán lẻ, kinh doanh xuất nhập khẩu, vận tải, in ấn và xuất bản, công trình công cộng và hạ tầng cơ sở...

VIB sẽ sử dụng nguồn vốn này để cấp tín dụng cho các khách hàng là các DN nhỏ và vừa với thời hạn và lãi suất hợp lý, hỗ trợ các DN đầu tư phát triển sản xuất. Để có thể tiếp cận nguồn vốn này, các DN cần đáp ứng những tiêu chuẩn theo quy định của bên cho vay. Trước tiên, DN được thành lập và đăng ký theo luật, trong đó thành phần ngoài quốc doanh chiếm ít nhất 50% vốn góp, thuộc một trong những loại hình như công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh hoặc DN tư nhân.

Quy mô của các DN này phải đáp ứng được một hoặc hai tiêu chí về tổng nguồn vốn hoặc số lượng lao động bình quân năm. Cụ thể như các DN thuộc ngành nông-lâm nghiệp, công nghiệp và xây dựng vốn dưới 100 tỉ đồng hoặc số lao động bình quân/năm dưới 300 người. Đối với ngành thương mại và dịch vụ, vốn điều lệ dưới 50 tỉ đồng hoặc số lượng lao động bình quân/năm dưới 100 người.

Các dự án được cho vay không vượt quá 25 tỉ đồng và DN tham gia ít nhất 15% vốn. Đây là ưu điểm của dự án này, bởi đối với các khoản vay thông thường, DN thường phải tham gia từ 30-40% vốn đối ứng. VIB sẵn sàng hỗ trợ tối đa các khách hàng đáp ứng đủ những điều kiện cơ bản trên có thể tiếp cận nguồn vốn vay nêu trên.

* Ông có lời khuyên gì cho các DN khi muốn tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng?

Dự án SMEFP do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), được triển khai từ năm 2003 qua hai giai đoạn với số vốn trung và dài hạn tương đương hơn 9 tỉ yen.

Thỏa thuận khung về cho vay lại của Dự án tài trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 3 có tổng số vốn tín dụng 15 tỉ yen đã được ký kết giữa Ban Quản lý các Dự án Tín dụng Quốc tế ODA (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và 17 định chế tài chính là các ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần. Trong dó, 9 ngân hàng đã tham gia dự án trong các giai đoạn 1 và 2; 8 ngân hàng mới được lựa chọn trong giai đoạn 3 gồm Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank), Ngân hàng TMCP Nam Việt (NaViBank), Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)…

- Đối với các ngân hàng, việc cân nhắc, lựa chọn những khách hàng tốt là điều kiện sống còn nhằm đảm bảo sự tồn tại bền vững và an toàn. Về phía DN, muốn tiếp cận tốt các nguồn vốn từ ngân hàng cần phải xây dựng phương án kinh doanh chi tiết rõ ràng, có tính khả thi cao, gia tăng phần vốn đối ứng. Ngoài ra, các DN nhỏ và vừa nên chú ý là cần tiến tới tiếp cận, sử dụng các dịch vụ ngân hàng, không chỉ khi cần nguồn vốn mới tìm đến với ngân hàng mà DN cần hợp tác với ngân hàng ngay từ giai đoạn đầu. Cụ thể, trong giai đoạn hiện tại, DN có thể tiếp cận nguồn vốn qua các kênh sau: tận dụng chính sách hỗ trợ lãi suất của chính phủ cũng như các nguồn vốn hỗ trợ phát triển từ các ngân hàng nước ngoài như Dự án SMEFP giai đoạn 3.

Về phía VIB, chúng tôi mong muốn trở thành đối tác tin cậy, đồng hành liên tục với khách hàng, nên chúng tôi xây dựng nhiều chính sách ưu đãi dành cho khách hàng. Chúng tôi đã và đang xây dựng những gói sản phẩm chuyên biệt dành riêng cho các DN sản xuất kinh doanh thuộc một số ngành hàng trọng tâm như cà phê, gạo, thủy hải sản, xây dựng... Sử dụng gói sản phẩm đó, khách hàng sẽ được hưởng những ưu đãi về chính sách tín dụng, ngoại hối, dịch vụ tài khoản, chuyển tiền và các dịch vụ hỗ trợ khác.

* Xin cảm ơn ông!

Quang Minh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết