17/04/2012 - 21:04

Thế giới vẫn tăng cường mua sắm vũ khí bất chấp khủng hoảng tài chính

Chi tiêu cho kho vũ khí thế giới trong năm 2011 tiếp tục tăng. Ảnh: MSH/SLK

Mặc dù do khủng hoảng tài chính khiến Mỹ và châu Âu năm qua phải cắt giảm chi tiêu để cân đối ngân sách, nhưng nguồn tiền dùng cho quốc phòng của thế giới năm 2011 vẫn tăng 0,3%. Nổi trội là Nga và Trung Quốc tiếp tục đầu tư mạnh cho kho vũ khí của mình.

Báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) tại Thụy Điển công bố ngày 17-4 cho biết việc cắt giảm ngân sách khiến chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2011 chỉ tăng nhẹ và đạt mức 1.740 tỉ USD. Sáu nước chi tiêu quốc phòng hàng đầu thế giới (Mỹ, Anh, Ấn Độ, Đức, Pháp và Brazil) đều phải cắt giảm ngân sách cho lĩnh vực này. Trong đó, Mỹ, nước mua vũ khí nhiều nhất thế giới, giảm 1,2% số tiền chi cho quân sự, xuống còn 711 tỉ USD. Theo SIPRI, một trong những nguyên nhân Washington giảm mua sắm vũ khí là do sự trì hoãn kéo dài việc thông qua luật ngân sách năm 2011 khi chính quyền Tổng thống Barack Obama vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ đảng Cộng hòa đối lập về những biện pháp hạn cắt giảm thâm hụt ngân sách. Ngoài ra, SIPRI dự đoán mức đầu tư cho vũ khí của đất nước cờ hoa tiếp tục giảm do sự rút quân của Mỹ khỏi Iraq và giảm các lực lượng Mỹ tại Afghanistan, cũng như ảnh hưởng Luật Kiểm soát ngân sách đã được quốc hội nước này thông qua hồi đầu năm nay. Nhưng với mức chi chiếm 41% tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu, Mỹ được dự đoán sẽ tiếp tục giữ vị trí “thống trị” trong ngành quân sự thế giới trong tương lai. Cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu cũng khiến tổng mức đầu tư vũ khí của cựu lục địa chỉ còn khoảng 407 tỉ USD. Dù vậy, SIPRI cho rằng vẫn “quá sớm” để cho rằng đây là hồi kết cho xu hướng tăng cường đầu tư quân sự kéo dài cả thập niên nay trên toàn cầu.

Nga đã vượt Anh và Pháp để trở thành nước chi tiêu cho vũ khí lớn thứ 3 thế giới, với số tiền lên đến 71,9 tỉ USD, tăng 9,3% so với năm 2010. Trung Quốc cũng nâng mức mua sắm thiết bị quân sự lên 6,7%, ở mức khoảng 143 tỉ USD, tiếp tục xếp vị trí thứ hai về chi tiêu quốc phòng. Mức chi tiêu này của Bắc Kinh tỷ lệ thuận với đà phát triển kinh tế và được duy trì ổn định ở mức bằng 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kể từ năm 2001.

Trong khi đó, việc tăng chi tiêu quốc phòng của Nga chủ yếu vì nước này hướng đến thay 70% thiết bị quân sự thời Liên Xô cũ bằng các vũ khí hiện đại vào năm 2020. “Họ rõ ràng rất ưu tiên củng cố lại sức mạnh quân đội”, Sam Perlo-Freeman, Trưởng nhóm nghiên cứu về chi tiêu quốc phòng của SIPRI, nhận định. Với mục tiêu hiện đại hóa quân đội, Điện Kremlin có thể sẽ tiếp tục tăng đầu tư quân sự trong những năm tới. Theo Perlo-Freeman, Mát-xcơ-va thiếu công nghệ liên lạc hiện đại dùng trên chiến trường và muốn đề phòng sự “khiêu khích” có thể xảy ra của quân đội Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu. Tuy vậy, nhiều nhà phân tích nghi ngờ liệu ngành công nghiệp vũ khí xứ sở bạch dương sẽ có thể hoàn thành kế hoạch đầy tham vọng của họ sau 2 thập niên đình trệ kể từ khi Liên Xô tan rã hay không.

Tuy mức tăng chi tiêu quốc phòng thực tế (so với mức lạm phát) năm 2011 tại Trung Đông và Bắc Phi chỉ ở mức không đáng kể, khu vực này được dự báo sẽ tăng cường đầu tư quân sự trong năm 2012 do tình hình chính trị khu vực ngày càng căng thẳng. Làn sóng nổi dậy tại Bắc Phi và những mâu thuẫn về chương trình hạt nhân của Iran là nguyên nhân khiến nhiều nước trong khu vực tăng cường mua sắm khí tài. Arabie Séoudite vẫn là nước nhập khẩu thiết bị quân sự lớn nhất khu vực, với mức chi 45,2 tỉ USD (bằng Đức và xếp thứ 7 thế giới), trong khi Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) chi khoảng 16 tỉ USD và Israel khoảng 13 tỉ USD. Nếu tính theo tỷ lệ phần trăm GDP, khu vực này vẫn đứng đầu thế giới về ngân sách dùng cho quốc phòng, cao nhất là Arabie Séoudite với 10,4% GDP.

THUẬN HẢI
(Theo AP, DPA, Wikipedia)

Chia sẻ bài viết