09/09/2009 - 07:35

Thế giới khan kim loại hiếm

Số liệu thống kê cho biết, năm 2008, Trung Quốc sản xuất tổng cộng 139.000 tấn kim loại hiếm, trong đó quốc gia đông dân nhất hành tinh này tiêu thụ hơn 60%, số còn lại được xuất khẩu. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, hạn ngạch xuất khẩu kim loại hiếm của Trung Quốc đã giảm tới 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Và quyết định mới của Bắc Kinh, theo tờ Daily Telegraph của Anh, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao trên thế giới. Chẳng hạn như Mỹ đang phụ thuộc vào nguồn kim loại hiếm từ Trung Quốc để sản xuất các loại nhiêu liệu mới, nên nếu không được đảm bảo nguồn cung thì các nhà máy tinh chế nhiên liệu tại nước này phải cắt giảm công suất và gây ra sự thiếu hụt năng lượng trên diện rộng. Tờ The Times (Anh) kết luận sự độc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực kim loại hiếm là điều không thể tưởng tượng đối với phương Tây.

Giới bình luận phương Tây cho rằng việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu kim loại hiếm dùng trong sản xuất các linh kiện điện tử viễn thông, pin xe hơi lai, xe điện, tua-bin trong động cơ máy bay... một mặt nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng, nhưng mặt khác là một phần trong kế hoạch thống trị thị trường kim loại hiếm của thế giới trong vài thập niên tới. Không những hạn chế xuất khẩu, Trung Quốc còn khuyến khích đầu tư khai thác các mỏ kim loại hiếm ở nước ngoài. Trước chính sách “thâu tóm” này của Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mexico và Mỹ hồi tháng 6 đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) can thiệp.

Song song đó, EU và Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu để tìm ra các loại hợp kim mới thay thế hoặc tái chế kim loại hiếm. EU cũng đang thiết lập một danh mục khoảng 20 kim loại hiếm chiến lược nhằm tập trung đầu tư khai thác và dự trữ.

Nhìn ở góc độ nào đó, quyết định của Trung Quốc sẽ giúp nước này kiểm soát được tình hình khai thác kim loại hiếm tràn lan và gây ô nhiễm môi trường sinh thái nghiêm trọng, đồng thời khiến phương Tây không còn được hưởng lợi từ sự lạm dụng tài nguyên quá mức. Nhiều nước phát triển, chẳng hạn như Mỹ, thật ra có trữ lượng kim loại hiếm lớn thứ hai thế giới, nhưng chủ yếu nhập khẩu để tiêu dùng và hiện chiếm gần 12% lượng dự trữ toàn cầu. Australia và Canada cũng đang kiểm soát chặt các mỏ kim loại hiếm và chủ trương nhập khẩu từ Trung Quốc để sử dụng.

PHÚC GIA AN
(Theo CCTV, Homestreet, Le Monde)

Chia sẻ bài viết