27/03/2011 - 17:31

Thấy gì từ phát biểu của Obama ?

Trong bài phát biểu hàng tuần trên đài phát thanh và truyền hình quốc gia hôm 26-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bảo vệ cho hành động quân sự chống Libye mà ông chủ trương theo đuổi. Ông chủ Nhà Trắng biện minh: “Vì trách nhiệm và lợi ích quốc gia nên Mỹ phải hành động”. Ông cho hay các cuộc không kích ồ ạt của liên quân hơn một tuần qua đã tiêu diệt được hệ thống phòng không của Libye và ngăn chặn bước tiến của quân đội nước này vào các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát. Chủ nhân Tòa Bạch Ốc còn nói rằng quyết định nhanh chóng của quân đội Mỹ đã “không mắc phải sai lầm nào, giúp ngăn chặn một thảm họa nhân đạo và cứu sống nhiều dân thường vô tội trước mối đe dọa “tắm máu” của nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi”.

Vị tổng thống gốc Phi một lần nữa nhấn mạnh Mỹ sẽ đóng vai trò hạn chế tại quốc gia Bắc Phi này và chiến dịch quân sự đã được trao lại cho các đồng minh và đối tác của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông cũng loại trừ khả năng Lầu Năm Góc đưa bộ binh đến Libye và cho rằng nước Mỹ không nên và không thể can thiệp mọi cuộc khủng hoảng vào bất cứ thời điểm nào trên thế giới.

Theo các nhà phân tích, phát biểu trên của Tổng thống Obama nhằm tạo ra sự đồng thuận trong quốc hội và công chúng trước khi ông công bố chiến lược của Mỹ đối với Libye tại Đại học Quốc phòng quốc gia ở Thủ đô Washington tối ngày 28-3 (sáng ngày 29-3 giờ Hà Nội). Báo Bưu điện Washington của Mỹ hôm qua cho biết, chiến lược của Nhà Trắng và các đồng minh phương Tây là trang bị vũ khí cho phe đối lập ở Libye. Báo này nêu rõ: “Nước Pháp ủng hộ mạnh mẽ việc vũ trang và huấn luyện cho phe nổi dậy”.

Nhưng vì sao Mỹ chỉ đóng vai trò hạn chế và chống lưng cho phe nổi loạn ở Libye? Viết trên Nhật báo Phố Wall, nhà nghiên cứu Kaplan thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ giải thích rằng ông Obama không “yếu đuối” như nhiều người nghĩ, mà trái lại là một người “tinh quái”. Đây là cuộc chiến thứ 3 mà Mỹ tham gia tại miền đất Hồi giáo. Mỹ trên thực tế lo ngại tình hình Libye sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc ổn định tình hình khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nhất là trong bối cảnh tình hình tại hai nước láng giềng của Libye là Ai Cập và Tunisie vừa có sự biến chuyển, bạo loạn ở Libye rất có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quá độ chính trị ở hai nước này - điều không phù hợp với lợi ích nước Mỹ.

Tuy nhiên, như nhận định của Kaplan, Mỹ đã đầu tư quá nhiều và hiện vẫn đang sa lầy tại hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, nếu tham dự sâu thêm chiến trường thứ ba, không chỉ không đủ tài chính và nhân lực để gánh vác mà còn gây ra sự phản đối dữ dội từ dân chúng. Hơn nữa, Mỹ nhận nhiệm vụ không kích từ xa, “nhường” phần kiểm soát bầu trời và khả năng tham chiến trên bộ cho đồng minh trong NATO vì một lẽ rất dễ hiểu là nếu có bất kỳ binh sĩ Mỹ nào bị giết hoặc bị bắt trong chiến dịch tại Libye, ông Obama rốt cục sẽ gặp rắc rối thực sự về mặt chính trị.

ĐỨC TRUNG (Theo AFP, WSJ)

Chia sẻ bài viết