28/04/2016 - 10:24

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết tranh chấp đất đai

Ở TP Cần Thơ, thời gian qua, công tác phối hợp giữa ngành TAND với các đơn vị chuyên môn của UBND cấp huyện (như: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Kế hoạch…) trong việc đo đạc, lập bản vẽ hoặc thẩm định phần đất tranh chấp đã đáp ứng kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng xét xử. Song hiện nay, ở một vài địa phương, công tác phối hợp này đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, cần được ngành chức năng quan tâm tháo gỡ, nhằm kéo giảm số vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội ở địa phương...

Trong quá trình Tòa án giải quyết các vụ án dân sự có liên quan đến đất đai, thì việc đo đạc, thẩm định tại chỗ, để xác định được diện tích đất tranh chấp, cây trồng, vật kiến trúc trên đất là bắt buộc, làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án được chính xác, đúng quy định pháp luật. Để đảm bảo tính khách quan, chính xác trong công tác thẩm định, định giá, theo quy định Bộ luật Tố tụng Dân sự thì Hội đồng định giá do Tòa án thành lập, bắt buộc phải có các thành viên là cơ quan chuyên môn như: Tài chính - Kế hoạch, Tài nguyên và Môi trường, đại diện chính quyền địa phương nơi có tài sản tranh chấp… Thời gian qua, công tác phối hợp này khá nhịp nhàng.

Buổi họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đo đạc, thẩm định, giải quyết các vụ kiện dân sự có liên quan đến đất đai.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn, vướng mắc trong việc đo đạc liên quan đến thửa đất tranh chấp, đó là việc bị đơn hoặc một trong các bên tứ cận liên quan đến thửa đất tranh chấp không hợp tác trong việc chỉ ranh đất, hay ký tên vào biên bản đo đạc. Từ đó, cơ quan chuyên môn của ngành Tài nguyên - Môi trường không thể đo đạc hoặc ra bản vẽ thửa đất tranh chấp, ảnh hưởng đến quá trình xem xét, giải quyết vụ kiện. Bà Hồ Thị Bích Phương, Phó Chánh án TAND quận Ninh Kiều, cho biết: "Trong giải quyết các vụ kiện về tranh chấp liên quan đến đất đai, hầu như mỗi Thẩm phán đều gặp vướng mắc, khó khăn trong việc đo đạc hoặc định giá. Nổi cộm nhất là bị đơn không hợp tác, né tránh, không có mặt ở nhà khi hội đồng đến làm việc. Thậm chí, có trường hợp họp hội đồng đến lần thứ ba nhưng vẫn chưa đo đạc hoặc định giá được phần đất tranh chấp. Do đó, đề nghị trong trường hợp đương sự không hợp tác đến lần thứ ba, thì TAND có thể được đưa vụ kiện ra xét xử. Khi có bản án, đương sự không đồng ý thì sẽ kháng cáo. Khi đó, việc đo đạc, định giá sẽ dễ dàng hơn".

Tương tự, TAND quận Thốt Nốt cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong việc đo đạc. Bà Hoàng Ngọc Hạnh, Chánh án TAND quận Thốt Nốt, cho biết: "Hiện nay, cán bộ đo đạc thực hiện thao tác đo đạc bằng máy. Thông thường, cán bộ không vẽ sơ họa thửa đất tranh chấp ngay khi đo đạc mà tiến hành vẽ sau đó, rồi mới đưa bản vẽ cho Tòa án, để Tòa án đưa cho các đương sự xác nhận kết quả đo đạc". Trong quá trình đo đạc, một khó khăn khác phải kể đến, đó là một trong những hộ tứ cận không đồng ý ký giáp ranh, dù rằng họ không tranh chấp. Khi đó, cán bộ đo đạc sẽ không đồng ý đo, vì sợ bị đương sự khiếu nại. Về khó khăn này, theo đề xuất của bà Hoàng Ngọc Hạnh, Chánh án TAND quận Thốt Nốt, trong trường hợp đương sự không hợp tác hoặc không tranh chấp thì đề nghị Trưởng khu vực, cán bộ địa chính cấp xã ký xác nhận về tình trạng thửa đất không tranh chấp... Riêng đối với trường hợp hộ tứ cận vắng mặt do đi làm ăn xa hoặc không chịu chứng kiến, thì quy trình xử lý giống như trên; đồng thời, niêm yết công khai 15 ngày. Sau đó, Tòa án sẽ xem xét, giải quyết vụ kiện theo thủ tục chung.

Sau khó khăn, vướng mắc trong quá trình đo đạc là việc tính chi phí đo đạc, định giá. Theo quy định, chi phí định giá do người thua kiện chịu. Tuy nhiên, trong lúc chưa xác định ai là người thua kiện, Tòa án yêu cầu bên nguyên đơn hoặc người yêu cầu phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá thì người nộp tiền ngần ngại, thắc mắc. Như trường hợp của ông D. (ở quận Ninh Kiều), diện tích tranh chấp ranh đất không nhiều, nhưng khi đo đạc của cả thửa đất mà ông đang sử dụng gần 1.000m2 đất, thì số tiền ông phải đóng lên đến vài triệu đồng. Do không có khả năng đóng số tiền trên nên hồ sơ của ông bị ách lại trong nhiều tháng liền. Còn tại quận Thốt Nốt, thì việc tính phí đo đạc có phần nhẹ nhàng hơn, chỉ thu 100.000 đồng/bản vẽ cho một vụ kiện. Trong khi đó, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên - Môi trường TP Cần Thơ, tính số tiền phí theo mét vuông, với số tiền mà đương sự phải đóng khá cao. Bà Hoàng Ngọc Hạnh, Chánh án TAND quận Thốt Nốt, đề xuất: "Chỉ thu tiền bản vẽ từ 100.000 -200.000 đồng, vì đây là bản vẽ để giải quyết tranh chấp".

Theo một Thẩm phán chia sẻ: "Để xác định diện tích đất thực tế tranh chấp giữa các bên và thuộc quyền sử dụng của ai thì tòa án phải tiến hành thẩm định tại chỗ phần đất đó và cả phần đất đương sự đang sử dụng không tranh chấp có liên quan để đối chiếu với các chứng cứ khác về quyền sử dụng đất. Các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án mới xác định được các bên sử dụng thừa hay thiếu đất, làm cơ sở giải quyết vụ án. Số tiền chi phí thẩm định, vẽ lược đồ thì đương sự phải chịu. Hiện nay, chưa có quy định về việc giảm, miễn chi phí thẩm định, định giá"…

Tại cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đo đạc, thẩm định, giải quyết các vụ kiện dân sự có liên quan đến đất đai, diễn ra ngày 19-4, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, đề nghị các ngành và các quận, huyện xây dựng quy chế phối hợp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong giải quyết tranh chấp đất đai. Đối với Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố cần xây dựng văn bản hướng dẫn về đo đạc cho cơ quan chuyên môn của các quận, huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Tòa án giải quyết các vụ việc dân sự về đất đai để sớm giải quyết vụ việc cho người dân.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết