08/02/2023 - 21:21

Tháo gỡ khó khăn, tập trung vốn cho các dự án bất động sản khả thi, đảm bảo pháp lý 

(CT) - Ngày 8-2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến về công tác tín dụng đối với thị trường bất động sản (BÐS). Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc thường trực NHNN Ðào Minh Tú cùng chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu của TP Cần Thơ, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ cùng các tổ chức tín dụng trên địa bàn dự hội nghị.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, dòng vốn vào thị trường BÐS hiện nay đến từ nhiều nguồn như vốn tự có của doanh nghiệp (DN), vốn ứng trước của người mua nhà, vốn phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn tín dụng ngân hàng. Qua báo cáo của các tổ chức tín dụng, dư nợ tín dụng BÐS đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỉ đồng, tăng 24,3% so với cuối năm 2021 và chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, tín dụng vào BÐS chủ yếu tập trung nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng với tỷ trọng 68,7% tổng dư nợ, tăng 31,1% năm qua; tín dụng vào kinh doanh BÐS chiếm tỷ trọng 31,3%, tăng 11,5%. Nếu chia theo phân khúc, dư nợ tín dụng cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,2%, quyền sử dụng đất chiếm 20,7%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,7%, nhà ở xã hội 0,7% và các lĩnh vực khác là 13,7%. Qua đánh giá tình hình cấp tín dụng lĩnh vực BÐS, các hiệp hội, DN nêu khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý, các quy định liên quan thủ tục vay vốn, hình thức giải ngân, đề xuất được giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại kỳ hạn nợ, tỷ lệ cho vay BÐS trên tài sản đảm bảo không cao hơn các lĩnh vực khác, quan tâm mở room tín dụng riêng cho BÐS, quan tâm đến nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...

Tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Ðể tháo gỡ khó khăn cho tín dụng BÐS, bên cạnh sự hỗ trợ của NHNN phải có sự tham gia của các ngân hàng và từ chính DN, DN phải tự lực tái cơ cấu phù hợp với khả năng tài chính, khả năng quản lý dòng tiền của mình. NHNN sẽ tiếp tục sử dụng công cụ kiểm soát tín dụng, điều hành tín dụng, đáp ứng vốn cho nền kinh tế song vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tín dụng từ 14-15% và có điều chỉnh theo diễn biến thực tiễn. NHNN đề nghị các đơn vị trực thuộc NHNN và các NHNN chi nhánh quán triệt các nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN trong điều hành hoạt động ngân hàng. Tham gia tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến tín dụng BÐS để thị trường phát triển lành mạnh trên cơ sở đảm bảo an toàn vốn, tập trung vốn vào phương án đầu tư khả thi, đảm bảo pháp lý, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng đáp ứng yêu cầu về nhà ở của người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ... Chủ động rà soát phân loại có giải pháp hỗ trợ các dự án BÐS khu công nghiệp, khu đô thị... NHNN sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành địa phương để cùng phối hợp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BÐS. DN vay vốn BÐS cần thận trọng, có kế hoạch, chủ động tài chính, phương án kinh doanh, chủ động quản trị dòng vốn, cân đối mục tiêu doanh thu lợi nhuận, tài chính, khả năng trả nợ ngân hàng. Ðồng thời, quan tâm hướng sản phẩm đầu tư vào dự án nhà ở xã hội, dành cho người thu nhập thấp, nhà ở thương mại giá rẻ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết