Thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã có văn bản đồng ý hỗ trợ và chi trả cho thuốc điều trị bệnh viêm gan virus C (HCV). Đây sẽ là cơ hội giúp nhiều bệnh nhân (BN) được tiếp cận các loại thuốc đặc trị, giảm gánh nặng về kinh tế, tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị, góp phần hạn chế, tiến tới đẩy lùi các bệnh về gan do virus gây ra. Ở TP Cần Thơ, thực hiện quy định này, nhiều BN thuộc diện Bảo hiểm y tế (BHYT) đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục thanh toán chi phí điều trị HCV, rất cần được các ngành chức năng quan tâm, có giải pháp tháo gỡ...
BN HCV thường suy giảm sức lao động, không thể kiếm được tiền, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người nhà trong việc hỗ trợ tài chính và theo dõi sức khỏe. Các loại thuốc đặc trị đòi hỏi phải được sử dụng liên tục đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ, nếu ngưng giữa chừng thì bao nhiêu tiền của sẽ đổ sông đổ biển. Việc điều trị HCV quá tốn kém, đặc biệt là đối với những BN nghèo
Trước tình hình đó, BHXH Việt Nam đã có văn bản số 3806/BHXH - CSYT ngày 8-10-2014 và văn bản số 4644/BHXH-CSYT ngày 1-12-2014 hướng dẫn việc giám định, thanh toán thuốc điều trị HCV cho BN thuộc diện BHYT. Theo đó, người có thẻ BHYT đã được chỉ định và điều trị HCV bằng thuốc Interferon và PegInterferon theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, nhưng chưa được hưởng theo chế độ BHYT tại bệnh viện kể từ ngày 28-11-2013 đến nay thì đem hồ sơ chứng từ theo quy định đến thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH, để được thanh toán tiền thuốc đã tự chi trả trước đó. Chứng từ đề nghị thanh toán gồm: Bản sao thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và một loại giấy tờ có ảnh hợp lệ; bản sao giấy ra viện (Đối với bệnh nhân điều trị nội trú); đơn thuốc, sổ y bạ (Đối với bệnh nhân điều trị ngoại trú); biên lai thu tiền viện phí, hóa đơn mua thuốc theo quy định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng Sen, Trưởng phòng Giám định BHYT, BHXH TP Cần Thơ, từ đó cho đến nay, chưa có trường hợp nào được thanh toán chi phí điều trị theo văn bản hướng dẫn trên.
BN nhiều lần yêu cầu cấp "hóa đơn đỏ" cho những lần
mua thuốc trước đó, nhưng Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ không thể đáp ứng.
Một trong những khó khăn đầu tiên là việc BN trước đây khi mua thuốc điều trị ở nhà thuốc không yêu cầu lấy "hóa đơn đỏ", nên các nhà thuốc chỉ giao cho những BN này hóa đơn bán lẻ hay hóa đơn riêng của nhà thuốc. Đơn cử như trường hợp của bà A. (ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ). Bà thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc, thời gian qua, bà tham gia điều trị HCV tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Sau một thời gian điều trị bằng thuốc đặc trị nhưng không được thanh toán bảo hiểm, nên bà A. phải ra nhà thuốc mua theo toa thuốc của bác sĩ trực tiếp điều trị. Theo chứng từ do bà A. cung cấp, trong khoảng tháng 11-2013 đến tháng 3-2014, bà A. đã 5 lần mua thuốc tại Nhà thuốc Thanh Mai, với tổng số tiền là 35 triệu đồng; 11 lần mua thuốc tại Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa thành phố, với tổng số tiền hơn 35 triệu đồng. Như vậy, trong khoảng thời gian điều trị, số tiền mà bà A. mua thuốc điều trị hơn 70 triệu đồng. Bà An bộc bạch: "Với số tiền trên, vợ chồng tôi tích góp trong nhiều năm liền mới có được. Nay biết cơ quan BHXH có chủ trương cho thanh toán số tiền này, tôi mừng lắm. Nhưng cái khó của chúng tôi là khi mua thuốc thì không biết để yêu cầu "hóa đơn đỏ". Khi biết thì đến hai nhà thuốc này yêu cầu khó khăn và vất vả lắm"
Trước sự việc trên, bà A. có đơn khiếu nại nhờ các ngành chức năng can thiệp. Sau đó, bà A. được hai nhà thuốc này xuất "hóa đơn đỏ" bằng cách liên hệ với Đội Thuế của phường để mua hóa đơn. Theo ông Phạm Lưu Bình, Đội trưởng Đội thuế phường Cái Khế, thời gian qua, một số nhà thuốc có liên hệ với Đội thuế để mua hóa đơn bán hàng, để giao cho người mua hoàn tất thủ tục thanh toán chi phí điều trị bệnh. Theo quy định, ngày, tháng, năm ghi hóa đơn là ngày, tháng, năm tại thời điểm khách hàng đến Đội thuế đăng ký mua hóa đơn.
Trường hợp của bà N. (ở xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) cũng tương tự. Nhiều ngày qua, vợ chồng bà từ huyện Vĩnh Thạnh đã nhiều lượt đến Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa thành phố yêu cầu ghi "hóa đơn đỏ", để bà hoàn tất thủ tục thanh toán chi phí điều trị bệnh với cơ quan BHXH. Tuy nhiên, đến nay, yêu cầu của bà vẫn chưa được xem xét, giải quyết. Bà N. cho biết: "Tôi đã mua thuốc đặc trị HCV của nhà thuốc trong nhiều tháng liền, theo đơn thuốc của bác sĩ, với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng. Biết được thông tin cơ quan BHXH cho thanh toán chi phí điều trị, tôi đã nhiều lần đến nhà thuốc yêu cầu họ ghi "hóa đơn đỏ" đối với những lần mà tôi mua thuốc điều trị. Nhưng yêu cầu của tôi đến nay vẫn chưa được giải quyết"
Theo đại diện Nhà thuốc Đa khoa thành phố, tại thời điểm mua thuốc, đa số các BN không yêu cầu ghi "hóa đơn đỏ", nên nhà thuốc đã ghi hóa đơn bán lẻ của nhà thuốc. Nay, yêu cầu của nhiều BN về việc xuất "hóa đơn đỏ", thì nhà thuốc không thể, bởi không thể ghi lùi thời gian trở về trước.
Một khó khăn khác của nhiều BN HCV trong thực hiện thủ tục thanh toán chi phí điều trị, đó là theo Văn bản số 4644/BHXH-CSYT ngày 1-12-2014, thì "
ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền. Vì vậy, đối với ngày, tháng, năm ghi trên hóa đơn mua thuốc phải là ngày, tháng, năm mà người bán hàng cung cấp thuốc cho người mua. Những đơn thuốc đã mua ở thời điểm trước, sau đó, bổ sung hóa đơn mua hàng ghi ngày, tháng, năm hiện tại là không đúng quy định của Bộ Tài chính nêu trên. Cơ quan BHXH không có cơ sở để thanh toán đối với các hóa đơn, chứng từ không đúng quy định".
Theo quy định về việc cấp hóa đơn của Bộ Tài chính thì các trường hợp mua hàng có giá trị trên 200.000 đồng trở lên phải cấp hóa đơn tài chính. Việc không yêu cầu lấy hóa đơn tài chính là thiếu sót thuộc trách nhiệm của người mua hàng. Nói về vấn đề này, bà N. cho biết: "Do không rành về những quy định pháp luật, nên khi mua thuốc, nhà thuốc đưa hóa đơn gì thì lấy mà thôi chứ không biết phải đòi hỏi "hóa đơn đỏ"".
Không riêng gì trường hợp bà A., bà N. mà hiện nay, trên địa bàn thành phố có rất nhiều trường hợp khác cũng gặp khó khăn tương tự. Trước thực tế này, thiết nghĩ các ngành chức năng ở thành phố sẽ sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đi đến thống nhất, nhằm kịp thời hỗ trợ cho BN HCV được hưởng quyền lợi theo đúng quy định mà BHXH Việt Nam đã đưa ra, góp phần giảm gánh nặng cho bệnh nhân
Bài, ảnh: CHẤN HƯNG