09/12/2021 - 08:15

Thành phố Iraq “hồi sinh” hậu IS 

4 năm sau khi tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đánh bại, các “điểm nóng” chiến tranh ở Iraq đang dần phục hồi về kinh tế.

Phụ nữ đi dạo trên một tuyến đường nhộn nhịp ở thành phố Ramadi. Ảnh: FT

Phụ nữ đi dạo trên một tuyến đường nhộn nhịp ở thành phố Ramadi. Ảnh: FT

Có chung biên giới với Syria, Jordan và Saudi Arabia, Anbar - tỉnh lớn nhất của Iraq, từ lâu là một khu vực nguy hiểm. Đây là nơi có đa số người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống. Cộng đồng này đã bị bỏ rơi sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ và trở thành trung tâm cuộc kháng chiến của người Hồi giáo dòng Sunni chống lại ách chiếm đóng của Mỹ. Năm 2004, hơn 10.000 quân Mỹ, Anh và chính quyền Iraq (do người Hồi giáo dòng Shiite kiểm soát) đã phải chiến đấu chống lại quân nổi dậy dòng Sunni tại thành phố Fallujah.

Tuy nhiên, các phần tử cực đoan dòng Sunni thuộc mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda sau đó đã kiểm soát Anbar và bị một liên minh bộ lạc đánh bại vào năm 2006. Thế nhưng, Anbar lại rơi vào tay IS năm 2014, thời điểm lực lượng này tiếp quản 1/3 lãnh thổ Iraq. Theo cơ sở dữ liệu của tổ chức Iraq Body Count, trong số khoảng 200.000 người trên cả nước thiệt mạng trong giai đoạn 2003-2017 thì Anbar chiếm hơn 10%.

Và 4 năm sau khi IS bị quân đội Iraq đuổi khỏi các thành phố, Anbar giờ đây như được khoác một chiếc áo mới. Hai thành phố lớn của tỉnh này gồm Ramadi và Fallujah đang náo nhiệt với các dự án xây dựng hay các khu chợ nhộn nhịp. “Năm 2016, khi chúng tôi đến đây, nó trông giống như một thành phố ma. Bạn thậm chí không nhìn thấy chó hay mèo đi lạc. Chỉ trong vòng 2 năm, chúng tôi đã xoay chuyển tình thế” - Mahdi al-Noman, Chủ tịch Ủy ban Đầu tư Anbar, cho biết. 

Riêng tại Ramadi, một đại lộ ven sông đã được hình thành, trong khi nhiều tuyến đường mới cũng như trung tâm mua sắm đang được xây dựng. Đáng chú ý, bên bờ sông Euphrates, một khách sạn sang trọng cao 20 tầng với vốn đầu tư lên tới 70 triệu USD đang gấp rút được hoàn thành. Đây là khách sạn 5 sao đầu tiên được xây dựng trong nhiều thập niên qua ở tỉnh Anbar. “Đây không chỉ là một khách sạn mà còn là trung tâm giải trí” - Maher Othman, nhà thầu xây dựng khách sạn, tự hào nói.

Ngoài khách sạn triệu đô đang được xây dựng nói trên, nhiều trung tâm mua sắm lớn nhất nước cũng được khởi công tại Ramadi, trong khi các công ty đang nộp hồ sơ dự thầu xây dựng một sân bay quốc tế.

Tình hình an ninh được cải thiện cũng cho phép người dân Anbar xây dựng lại cuộc sống và nhà cửa, trong khi Chính phủ Iraq và các cơ quan quốc tế không ngừng đổ tiền để mở những con đường tốt hơn cũng như xây dựng nhiều cây cầu mới. Khoảng 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa do giao tranh đã quay trở lại, trong khi cơ quan đầu tư Anbar đã cấp hàng trăm giấy phép đầu tư, với tổng vốn hơn 5 tỉ USD, gồm các dự án xây dựng nhà máy điện Mặt trời, cơ sở sản xuất phân bón, khu dân cư, trường học…

Trong khi đó, những con phố tắc nghẽn giao thông với nhiều ổ gà, dây điện chằng chịt giờ đây được thay thế bằng hệ thống đường sá hiện đại, cáp điện ngầm và trụ sở các cơ quan công quyền. “Chúng tôi đang tiến hành công cuộc tái thiết. Do đó, bất kỳ công trình xây dựng mới nào cũng phải được thực hiện theo cách mới để theo kịp quy hoạch đô thị hiện đại. Cư dân Anbar đã trải qua quá nhiều sự tàn phá nên không còn sẵn sàng chịu đựng những luận điệu cực đoan vốn từng cho phép IS có được chỗ đứng ở đây” - Ali Farhan, Thống đốc tỉnh Anbar, cho biết.

Theo Thiếu tướng Nassir al Ghannem, quan chức cao cấp của quân đội Iraq, các phần tử cực đoan tại Anbar đang ở thế rất yếu. “Tôi tự hào nói với các bạn rằng không có cuộc tấn công khủng bố lớn nào ở Anbar trong 2 năm qua. IS đang ở giai đoạn yếu nhất. Chúng sở hữu không quá 75 tay súng tại Anbar” - Thiếu tướng Ghannem cho hay.

TRÍ VĂN (Theo FT, NYT)

Chia sẻ bài viết