17/06/2010 - 23:08

CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ Ở QUẬN BÌNH THỦY:

Thành công nhờ đi đúng hướng

Để thực hiện thành công mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ, du lịch - nông nghiệp đô thị như Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ quận Bình Thủy nhiệm kỳ 2005-2010 đã đề ra, 5 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền quận Bình Thủy đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả. Từ đó, phát huy được tiềm năng, nội lực trong nhân dân, góp phần thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết nhiệm kỳ 2005-2010 đã đề ra...

Theo các đồng chí lãnh đạo quận Bình Thủy, Đại hội Đại biểu Đảng bộ quận Bình Thủy nhiệm kỳ 2005-2010 tiến hành vào thời điểm quận Bình Thủy mới thành lập được hơn một năm, còn khó khăn về nhiều mặt. Bên cạnh khó khăn do đội ngũ cán bộ hụt hẫng, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém và không đồng bộ, khi ấy quận còn trên 60% diện tích đất nông nghiệp, có 3 xã mới chuyển lên phường. Tại Đại hội, nhiều đại biểu đã phân tích, tiếp tục chỉ ra những mặt hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của quận, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, còn mang yếu tố tự phát cho nên tính bền vững không cao. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn chiếm cao nhất thành phố, nhưng riêng đối với công nghiệp do quận quản lý chưa phát triển mạnh... Trên cơ sở phân tích thấu đáo nguyên nhân của các mặt làm được và chưa được, rút ra những bài học kinh nghiệm, Đại hội Đại biểu Đảng bộ quận Bình Thủy đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2005-2010 là phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ du lịch - nông nghiệp đô thị, phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu của thành phố Cần Thơ trong sự nghiệp CNH-HĐH, đô thị hóa.

Công nhân Hợp tác xã cơ khí Hà Nam Ninh, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy đang làm việc. Ảnh: HOÀNG THANH 

Để thực hiện mục tiêu đó, lãnh đạo quận Bình Thủy luôn quan tâm công tác quy hoạch, tạo căn cứ và cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, kêu gọi và phê duyệt các dự án đầu tư, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của quận. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Chiến, Trưởng phòng Kinh tế quận Bình Thủy, đến nay, quận đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, được UBND thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện; đang tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất đai. Các quy hoạch Trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của quận, quy hoạch trung tâm hành chính thể dục thể thao, các khu dân cư, khu tái định cư và các chợ trên địa bàn... đã được thành phố phê duyệt, tạo điều kiện cho quận tổ chức thu hút đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN, thương mại, dịch vụ và ổn định đời sống nhân dân bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án. Bên cạnh đó, để tạo nền tảng cơ bản cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quận tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là đầu tư, cải tạo, nâng cấp, bê tông hóa các tuyến đường liên phường, khu vực; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, phát triển lực lượng sản xuất; việc xây dựng và phát triển quan hệ sản xuất mới được tăng cường. Đồng chí Lê Hoàng Nam, Bí thư Quận ủy Bình Thủy, cho biết: “Hàng năm, Quận ủy đều chọn một khâu đột phá và tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Chẳng hạn: Năm 2006, quận chọn khâu đột phá là “Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực”, năm 2007 là “Đẩy mạnh cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực”, năm 2008 là “Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với chỉnh trang đô thị”... Sau khi các chủ trương được Ban Chấp hành Đảng bộ quận thông qua, đưa ra HĐND bàn bạc và ra nghị quyết, UBND đã nhanh chóng cụ thể hóa, triển khai thực hiện. Các phường cũng căn cứ vào đó để xây dựng chương trình phát triển kinh tế hàng năm, hàng quý phù hợp với thực trạng tình hình kinh tế của đơn vị mình nên hiệu quả đạt được rất khả quan”.

Tìm hiểu về tình hình lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đảng bộ, chính quyền một số phường trên địa bàn quận, chúng tôi đều ghi nhận được kết quả đáng phấn khởi. Đáng chú ý là dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đội ngũ cán bộ cơ sở đã chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng những chương trình khuyến khích phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước vào tình hình của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, về cơ sở hạ tầng, về môi trường cho các thành phần kinh tế phát triển theo đường lối, chủ trương mà Quận ủy đã xác định. Điển hình như ở phường Trà Nóc, một trong những phường dẫn đầu về tỷ lệ phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp trên địa bàn quận. Đồng chí Nguyễn Hùng Việt, Chủ tịch UBND phường Trà Nóc, kể lại: Để kinh tế của phường phát triển theo đúng định hướng thương mại, dịch vụ - CN-TTCN - nông nghiệp đô thị, với thuận lợi là trên địa bàn có Khu công nghiệp Trà Nóc, phường thường xuyên khuyến khích các hộ dân có điều kiện phát triển dịch vụ kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ; mở các cơ sở kinh doanh ăn uống... phục vụ công nhân. Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tận tình hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, phường còn giữ vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp và chủ các khu nhà trọ để giới thiệu nhà ở cho công nhân... Nhờ đó, số cơ sở thương mại - dịch vụ trên địa bàn phường hiện nay đã tăng gần gấp 3 lần so với trước; doanh thu thương mại, dịch vụ trên địa bàn phường đều tăng từ 17-18%/năm. Đảng ủy phường Trà Nóc lãnh đạo giao Hội Cựu chiến binh phường vận động, tập hợp các cơ sở CN-TTCN hoạt động nhỏ lẻ trên địa bàn để thành lập 3 hợp tác xã (HTX), hoạt động trên các lĩnh vực: xây dựng, cơ khí và nuôi cá giống. Nhờ phát huy sức mạnh liên kết đó, thời gian qua, các HTX ở phường Trà Nóc đều làm ăn rất hiệu quả, mỗi năm giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Ông Trần Văn Vượng, Chủ nhiệm HTX cơ khí Hà Nam Ninh, tâm sự: “Năm 2009, lãnh đạo quận đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ để HTX vay 200 triệu đồng từ nguồn vốn kích cầu của Chính phủ. Với số tiền đó, chúng tôi đã mua thêm một máy tiện, 1 máy khoan và các nguyên liệu sản xuất để mở rộng quy mô hoạt động”.

Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các địa phương cũng tập trung thực hiện các biện pháp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các đối tượng trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp, nhất là chuyển nghề, tạo việc làm cho lao động sau thu hồi đất nông nghiệp. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Hiếu Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, khẳng định: Với địa bàn có nhiều dự án quy hoạch, đất nông nghiệp bị thu hồi chiếm diện tích lớn như phường Bình Thủy, việc đào tạo nghề, hỗ trợ vốn để bà con chuyển đổi nghề nghiệp là một trong những giải pháp căn bản và mang lại hiệu quả bền vững. Đặc biệt là khi kết hợp đồng bộ giữa việc đào tạo nghề cho lao động, giúp họ vay vốn mua phương tiện hoặc giới thiệu việc làm”. Là một điểm sáng của quận Bình Thủy trong công tác này, 5 năm qua, phường Bình Thủy đã mở hàng chục lớp dạy nghề cho nhân dân trên địa bàn. Các đoàn thể của phường đã bảo lãnh cho hàng chục ngàn lượt đoàn viên, hội viên vay vốn để chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế gia đình... Nhờ đó, chỉ sau 2 năm triển khai, đưa nghị quyết của Quận ủy và Đảng bộ phường đi vào cuộc sống, năm 2008, phường Bình Thủy đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp -thương mại, dịch vụ- CN-TTCN sang thương mại, dịch vụ- CN-TTCN - nông nghiệp đô thị và du lịch. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn phường giảm từ 4,25% xuống còn dưới 4%...

Long Hòa, Long Tuyền, Thới An Đông là những phường được chuyển lên từ xã trước đây, nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, cũng đã tạo được bước đột phá thông qua đẩy mạnh vận động nhân dân ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Đồng chí Trần Minh Xuyến, Bí thư Đảng ủy phường Long Hòa, chia sẻ: “Để vận động bà con mạnh dạn ứng dụng các mô hình kinh tế mới, bên cạnh việc chỉ đạo tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức các buổi giới thiệu, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, Đảng ủy yêu cầu các đảng viên có sản xuất nông nghiệp phải tiên phong “làm mẫu”. Khi bà con đã “làm theo” rồi, Đảng ủy tiếp tục vận động bà con xây dựng mối quan hệ kinh tế hợp tác...”. Những chủ trương và chính sách của cấp ủy được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng tính tự nguyện, chủ động của người dân đã góp phần giúp nhiều hộ trên địa bàn phường Long Hòa nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Trong 5 năm qua, năng suất canh tác bình quân tăng thêm 2 tấn/ha; giá trị cũng tăng thêm hơn 30% so với đầu nhiệm kỳ 2005-2010...

Nhờ tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, nhất là quan tâm làm tốt công tác quy hoạch tổng thể, có những bước đi phù hợp, khai thác tối đa các nguồn lực, cộng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đoàn kết, quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống của cả hệ thống chính trị, đến thời điểm này, quận Bình Thủy đã đạt được những thành tựu cơ bản trong phát triển kinh tế, xã hội, làm thay đổi diện mạo của quận một cách toàn diện. Trong nhiệm kỳ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm của quận đạt 16,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp; tỷ trọng khu vực I chiếm 2%, khu vực II chiếm 69%, khu vực III chiếm 29% trong GDP. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 28,3 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2005 và đạt 101,07% so với nghị quyết. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển cả về qui mô và chất lượng. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2010 ước đạt 3.200 tỉ đồng, tăng 166,90% so với đầu nhiệm kỳ; cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng đi vào chiều sâu, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một diện tích cũng tăng gần gấp đôi so với trước đây... Với những hướng đi đúng và cách làm sáng tạo, tin rằng các cấp ủy Đảng quận Bình Thủy tiếp tục phát huy kinh nghiệm, thực hiện thắng lợi các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong thời gian tới.

PHƯƠNG NGHI

Chia sẻ bài viết