27/04/2013 - 08:32

Thâm hụt... niềm tin

Trong bối cảnh hoạt động chống khủng bố của Mỹ lâu nay vẫn "cảnh giác" trước thông tin tình báo từ phía Nga, thì việc Washington từng "làm lơ" trước những cảnh báo của Mát-xcơ-va về nghi phạm vụ đánh bom Boston cũng không lấy làm lạ. Tuy nhiên, điều này càng dấy lên nhiều nghi ngại về cái mà hãng tin Anh Reuters gọi là "thâm hụt niềm tin" đang phủ bóng lên mối quan hệ vốn "cơm không lành, canh không ngọt" giữa hai nước.

Trong buổi nói chuyện trực tuyến cùng người dân hôm 25-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định vụ đánh bom Boston đã chứng minh những lo ngại của Nga về anh em Tsarnaev cùng quan điểm cứng rắn chống lại các chiến binh ở Bắc Kavkaz trước đó của nước này là đúng đắn. Qua đó, chủ nhân điện Kremlin cho rằng cả Mát-xcơ-va lẫn Washington cần phải tăng cường mối quan hệ hợp tác hơn nữa trong vấn đề an ninh, đặc biệt khi Thế vận hội mùa đông 2014 sẽ được tổ chức tại thành phố biển Sochi của Nga (gần Bắc Kavkaz).

Hơn 20 năm sau sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ và Nga vẫn tiến hành nhiều hoạt động tình báo do thám lẫn nhau. Nhưng có thể nhận thấy cả Washington và Mát-xcơ-va đều không muốn trở lại thời kỳ Chiến tranh lạnh khi tiến hành trao đổi tù binh gián điệp hồi năm 2010. Dù vậy, câu hỏi hiện thời được đặt ra là liệu hai "ông lớn" có thể gạt sang một bên mối nghi kỵ lẫn nhau trên bàn cờ địa chính trị thế giới hiện nay vì lợi ích an ninh hay không.

Tổng thống Putin vẫn thường lên tiếng chỉ trích việc Mỹ đánh giá thấp những mối đe dọa an ninh từ các cuộc nổi dậy của thế lực Hồi giáo trong khu vực, đặc biệt về sự nguy hiểm của các chiến binh từ vùng Kavkaz. Điều này âu cũng có thể lý giải khi giới quan chức Mỹ vẫn cùng một giọng điệu cho biết họ luôn đặt các thông tin chống khủng bố do Mát-xcơ-va cung cấp dưới "lăng kính nghi ngờ" vì quan niệm rằng những đối tượng tình nghi mà Nga liệt vào "danh sách" thể nào cũng được "xào nấu" với những nhân vật bất đồng chính kiến hay các nhà hoạt động nhân quyền.

Dù nói thế nào đi nữa, sau khi vụ đánh bom ở Boston đã xác nhận tính đúng đắn trong quan điểm của Mát-xcơ-va thì dư luận quốc tế phải chăng sẽ có thêm động lực để hy vọng về kế hoạch hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan an ninh Nga-Mỹ, qua đó giải được gút mắc về bài toán "thâm hụt lòng tin" có nguy cơ làm sứt mẻ cây cầu hữu nghị giữa hai bên?

VI VI (Theo Reuters)

VI VI (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết