13/01/2014 - 20:20

Thách thức trong phát triển bền vững khu công nghiệp

Thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp (KCN) trên cả nước đã góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp- thương mại- dịch vụ phát triển, tạo việc làm và giải quyết an sinh xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng, trong khi công tác quy hoạch và quản lý KCN, cụm công nghiệp (CCN) còn lúng túng về cơ chế, và đã phát sinh rất nhiều hệ lụy đến môi trường sống, môi trường sinh thái. Phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các KCN.

Bất cập…

 KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ là KCN đầu tiên của thành phố, hoạt động từ năm 1995, nhà máy xử lý nước thải đang trong quá trình xây dựng, dự kiến vận hành thử trong năm 2014. Ảnh: T.H

Cuối tháng 12-2013, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) tổ chức hội thảo Bảo vệ môi trường trong hệ thống các KCN ở Việt Nam: các lỗ hổng chính sách, vấn đề minh bạch thông tin và tác động đối với cộng đồng. Các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng việc thành lập các KCN- CCN là xu hướng tất yếu để quản lý tập trung hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, công tác quy hoạch và quản lý các KCN-CCN ở Việt Nam còn nhiều bất cập, đặc biệt là công tác quản lý môi trường. Thời gian qua, có quá nhiều KCN-CCN được thành lập nhưng tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp còn thấp. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí đất đai mà còn tạo ra các hệ lụy cho sinh kế người dân. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường đối với các KCN-CCN còn rất lỏng lẻo. Trên thực tế, ô nhiễm môi trường tại các KCN-CCN diễn ra khá phổ biến và nghiêm trọng ở nhiều nơi làm ảnh hưởng đến cộng đồng, sinh kế của người dân. Mặc dù công cụ chính sách (Luật Bảo vệ môi trường 2005) đã quy định cụ thể về Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) nhằm sàng lọc những dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường, song trên thực tế, sau quá trình thẩm tra ĐTM, một số dự án đầu tư trong KCN-CCN công nghệ lạc hậu vẫn được cấp chứng nhận đầu tư.

GS.TS Võ Thanh Thu, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho biết: Cả nước có khoảng 184/289 KCN, khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao đang hoạt động và hơn 1.000 KCN nhỏ, CCN do địa phương quản lý. Hằng năm, các KCN, KCX tạo ra khoảng 33 tỉ USD giá trị hàng công nghiệp (chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước), gần 50% giá trị xuất khẩu và nộp ngân sách trên 20.000 tỉ đồng; giải quyết việc làm trực tiếp cho trên 1,5 triệu lao động. Sự hình thành của các KCN, KCX góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa đất nước. Nhưng sự phát triển của các KCN, KCX đang vướng 6 tồn tại lớn và làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế vĩ mô. Đó là các KCN, KCX phát triển ồ ạt, nhưng hiệu quả thấp, địa phương nào cũng phát triển KCN mà không theo quy hoạch, chiến lược chung; ô nhiễm môi trường tràn lan; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; nhiều dự án công nghệ thấp; quy hoạch treo các KCN còn khá phổ biến; cơ sở hạ tầng trong và nối kết giữa KCN và bên ngoài KCN còn yếu.

Theo một chuyên gia kinh tế, đầu tư một héc-ta đất sạch KCN giao cho nhà đầu tư với chi phí bình quân từ 3,5-4 tỉ đồng, nhưng hiện cả nước có hàng chục ngàn héc-ta đất công nghiệp bỏ hoang, sự lãng phí này rất lớn, làm ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển của địa phương. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp ở KCN cả nước chỉ khoảng 46%, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng tăng ở các KCN. Đơn cử tại ĐBSCL, hiện khoảng 75% KCN và 85% CCN chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý nước thải chưa đạt chuẩn quy định. Các chuyên gia nhận định, ô nhiễm môi trường KCN, CCN đang trở thành vấn đề cấp bách của đất nước, làm suy thoái môi trường sẽ đe dọa trực tiếp đến các thành quả về phát triển kinh tế - xã hội, tác động đến môi trường sống của cộng đồng. Hoạt động của các KCN chỉ mới tác động tới nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, chứ chưa tham gia tích cực vào quá trình "hiện đại hóa" nền kinh tế Việt Nam. Tình trạng quy hoạch treo KCN còn nhiều nhưng chưa có tái định cư, tạo việc làm ổn định cho người dân bị thu hồi đất làm KCN… Cần giải quyết căn cơ những bất cập để KCN, CCN phát triển bền vững.

Hướng phát triển bền vững

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng thực trạng ô nhiễm môi trường ở các KCN, CCN đang đặt ra những câu hỏi về tính hiệu quả của các công cụ quản lý cũng như sự minh bạch trong công tác bảo vệ môi trường. Cộng đồng địa phương là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ô nhiễm môi trường. Nhưng hiện gần như chưa có cơ chế nào cho sự tham gia của cộng đồng trong các dự án đầu tư trong KCN, theo quy định hiện hành cộng đồng địa phương chỉ được tham gia tham vấn trong quá trình thành lập KCN. Còn các dự án đầu tư trong KCN, chủ đầu tư không cần thực hiện tham vấn cộng đồng trong quá trình đánh giá tác động môi trường. Theo TS Lê Trình, Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững (trụ sở chính tại Hà Nội), hiện nay, chất lượng ĐTM và ĐMC còn nhiều hạn chế, thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn. Mặc dù có một số dự án có suất đầu tư rất lớn, nhưng hiệu quả kinh tế thấp, ảnh hưởng xấu đến môi trường, xã hội, song rất ít ĐMC mạnh dạn đề xuất loại bỏ các dự án được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội các vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2020. Nếu ĐMC không mạnh dạn loại bỏ những dự án này thì có thể tạo ra tiền đề nguy hiểm cho việc đánh giá của các Bộ, ngành chức năng khi dựa theo ĐMC để thẩm định dự án, nếu quy hoạch được duyệt sẽ gây hệ lụy lâu dài về kinh tế- xã hội, môi trường.

TS Lê Trình cho rằng, Dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2013 đã được chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung phù hợp với yêu cầu thực tế và tiệm cận quốc tế. Quá trình lập ĐMC, ĐTM được quy định cụ thể hơn so với Luật Bảo vệ môi trường 2005, đặc biệt là quy định tham vấn các bên liên quan. Song, tham vấn các bên liên quan là nội dung đặc biệt quan trọng đảm bảo cho chiến lược, quy hoạch gắn kết với môi trường- an sinh xã hội và tạo sự đồng thuận cao giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương. Do vậy, đối với ĐMC cần bổ sung thêm vào Luật về tổ chức tham vấn các bên liên quan, trong đó cần xác định các bên liên quan là gì, tùy từng quy hoạch, chiến lược, các thời điểm tổ chức tham vấn, hình thức tham vấn. Còn đối với ĐTM cần quy định chủ dự án phải đảm bảo thời gian, kinh phí cho nghiên cứu lập báo cáo ĐTM để tránh trường hợp có ĐTM chỉ 1-2 tháng là hoàn thành (bởi kinh nghiệm Nhật Bản, quá trình lập ĐTM từ khởi đầu đến lúc hoàn thành ít nhất là 2 năm; còn WB quy định thường trên 6 tháng). Mặt khác, có điều khoản quy định ĐTM không chỉ là chất thải, dự báo/giảm thiểu tác động môi trường vật lý (ô nhiễm đất, nước, không khí) mà còn làm rõ tác động đến môi trường sinh học, tác động đến xã hội. Có như vậy, mới sàng lọc được các dự án có nguy cơ và nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cho biết, các KCN đang hoạt động tổng lượng nước thải khoảng 622.773 m3/ngày đêm, nhưng chỉ xử lý được 58%, còn lại 42% không được xử lý và xả thẳng ra nguồn nước. Đó là chưa kể đến ô nhiễm không khí, phát sinh chất thải rắn… từ các KCN, KCX, CCN. Công tác bảo vệ môi trường ở các KCX, CCN còn nhiều bất cập. Để thúc đẩy tiến trình phát triển của KCN, KCX, CCN cả nước cần triển khai công trình xử lý chất thải, nước thải song hành với triển khai đầu tư hạ tầng; tăng cường cưỡng chế, nâng cao ý thức của cộng đồng và về lâu dài cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, xây dựng chiến lược, các chương trình, dự án xử lý chất thải, nước thải kèm theo các giải pháp hỗ trợ và tổ chức thực hiện. Những tồn tại bất cập trong phát triển các KCN cần có hướng giải quyết bài bản để góp phần đưa nền kinh tế vĩ mô phát triển bền vững.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết