02/11/2008 - 10:03

Tha phương cầu... yên ổn !

Bệnh nhi này đang chờ được điều trị tại lối vào một bệnh viện ở Baghdad. Ảnh: Newsweek

Vợ chồng bác sĩ Wasim gần đây xảy ra “chiến tranh lạnh” chỉ vì bất đồng về nơi an cư lạc nghiệp. Bà nhà mong ước người thân và bạn bè quay trở lại Baghdad trong khi Wasim muốn vợ con định cư ở Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất - UAE). Bác sĩ nội khoa 45 tuổi này không muốn mạo hiểm trở về quê hương. Cách đây 4 năm, trên đường phố ở Baghdad, ông từng bị bọn bắt cóc chặn đường điểm mặt: “Mày là bác sĩ. Chúng tao theo dõi mày nhiều tháng qua”.

Chúng giam giữ ông và hành hạ suốt 2 tuần liền trước khi vứt bên vệ đường kèm theo “lời khuyên”: “Mày cút xéo khỏi Iraq ngay”. Sự tự do của ông có giá 15.000 USD. Quá khiếp sợ, Wasim dắt díu vợ con đến UAE và ông tìm được công việc như ý ở một bệnh viện tại Abu Dhabi. Wasim thích đường phố an toàn nơi đây và rùng mình mỗi khi nghĩ đến cảnh phải về lại Baghdad.

Baghdad hiện bớt rối ren hơn so với lúc Wasim bỏ đi. Tuy nhiên, việc tái lập thành phố theo hướng bền vững, ngoài vấn đề an ninh, đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng thiết yếu, mà chỉ có những chuyên gia có trình độ mới có thể đem lại, như điện sinh hoạt, việc làm ổn định, trường học đàng hoàng và hệ thống y tế đáng tin cậy. Vấn đề là cũng như Wasim, hàng ngàn kỹ sư, doanh nhân, giáo viên, kế toán và bác sĩ ở Iraq lần lượt bỏ xứ đi. Khác với hầu hết dân tị nạn Iraq, họ có trình độ chuyên môn nên dễ dàng tìm công ăn việc làm và xin cư trú dài hạn ở bất cứ nơi đâu. Nhưng họ lại thiếu động lực để quay lại vùng đất mà họ biết rằng mình có thể bỏ mạng. Ngay cả dân thường Iraq cũng không tha thiết hồi hương: trong số 1,5 triệu người chạy nạn khỏi Iraq kể từ khi Mỹ đánh chiếm nước này, đến tháng 9-2008 mới chỉ có 60.000 người trở về.

Vì lẽ đó mà Iraq trở nên khan hiếm bác sĩ. Hệ thống y tế nước này từng khiến thế giới A-rập phải ganh tỵ. Vào những năm 1990, thời Iraq bị Mỹ cấm vận, người dân khắp Trung Đông vẫn tìm đến xứ sở ngàn lẻ một đêm để theo học ngành y. Nhưng sau khi quân Mỹ hiện diện ở nước này, bác sĩ trở thành đích nhắm của các phần tử nổi dậy và bọn bắt cóc tống tiền. Hơn 120 thầy thuốc đã bị sát hại. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi phe trung thành với giáo sĩ Moqtada al-Sadr lên nắm quyền Bộ Y tế cuối năm 2005. Bệnh viện trở thành căn cứ địa của lực lượng nổi dậy dòng Shiite và bác sĩ người Sunni có thể bị bắn chết ngay tại chỗ làm.

Hiện phe Moqtada al-Sadr đã qui hàng, nhưng các bác sĩ vẫn lặn mất tăm hơi. Theo ước tính của Bộ trưởng Y tế Salih Hasnawi, khoảng một nửa trong tổng số 30.000 bác sĩ ở Iraq đang sống lưu vong. Đáng chú ý là trong số này có rất nhiều bác sĩ đầu ngành về giải phẫu, cấp cứu, điều trị chấn thương, tâm lý - đội ngũ mà đất nước Iraq thời hậu chiến đang rất cần. Hiện mới có 800 người quay trở lại, gồm cả nha và dược sĩ.

Từ khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Y tế cuối năm 2007, ngoài sứ mệnh trị tận gốc “bệnh” tham nhũng, ông Hasnawi chú trọng thu hút bác sĩ trở về nước với nhiều chính sách ưu đãi. Hiện lương của một bác sĩ chuyên khoa ở Iraq là 2.300 USD/tháng, tăng gấp 2-3 lần trước đây và tương đương mức bình quân của khu vực. Một số bác sĩ trở lại làm việc còn được truy lãnh lương cho khoảng thời gian họ “bỏ việc chạy lấy người”. Các bác sĩ về công tác ở nông thôn thì được cấp đất.

Tuy nhiên, chỉ mỗi lương bổng hậu hĩnh chưa đủ sức lôi kéo nhiều bác sĩ qui cố hương bởi hầu hết đều không muốn sống trong sợ hãi. Chính phủ Iraq đang nỗ lực tạo môi trường sống và làm việc an toàn cho thầy thuốc. Ngoài việc đặc cách cho bác sĩ được quyền mang theo súng trên đường mà không cần giấy phép, chính phủ kêu gọi các bệnh viện xây nhà công vụ có vành đai bảo vệ cho các bác sĩ hồi hương.

Trước tình trạng thiếu bác sĩ, chính phủ Iraq thường gởi bệnh nhân sang các nước láng giềng, nơi có bác sĩ và chuyên gia phẫu thuật người Iraq giỏi nghề đang công tác. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được ra nước ngoài điều trị. Tại Bệnh viện nhi đồng Baghdad, một bệnh nhân ung thư bị mù đang nằm chờ chết. Bệnh tình của cậu bé 12 tuổi này có lẽ không trở nặng đến vậy nếu em được phẫu thuật tách bỏ mắt ngay khi bệnh mới khởi phát. Nhưng gia đình không tìm được bác sĩ giỏi ở thành phố Kut. Lo sợ bạo lực ở Baghdad, một năm sau họ mới chuyển em lên thủ đô. Lúc đó, ung thư đã di căn lên não.

TUYẾT HỒNG (Theo Newsweek)

Chia sẻ bài viết