12/12/2022 - 23:13

Tàu vũ trụ Orion trở về Trái đất thành công 

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, NPR)

Phi thuyền Orion của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã trở về từ Mặt trăng thành công, giúp tổ chức này tiến một bước gần hơn tới việc đưa các phi hành gia trở lại “chị Hằng” vào năm 2025.

Hải quân Mỹ tiếp cận để thu hồi tàu vũ trụ Orion ngày 11-12. Ảnh: AP

Hải quân Mỹ tiếp cận để thu hồi tàu vũ trụ Orion ngày 11-12. Ảnh: AP

Orion đã hoàn thành chặng cuối trong hành trình, bay hơn 385.000km từ Mặt trăng về Trái đất và lao qua bầu khí quyển dày. Tàu hạ cánh trên Thái Bình Dương ngoài khơi bang Baja California, Mexico lúc 12h40 ngày 11-12 theo giờ địa phương. Chặng cuối này cũng là một trong những mốc quan trọng và nguy hiểm nhất của nhiệm vụ Artemis I, sứ mệnh thử nghiệm không người lái kéo dài hơn 25 ngày với tổng quãng đường di chuyển 2 triệu km. Đây là quãng đường xa nhất mà một tàu vũ trụ được thiết kế để chở người đi được.

Sau khi đáp xuống biển, tàu Orion đã trải qua 6 giờ để NASA thu thập dữ liệu và tiến hành một số thử nghiệm trước khi đội cứu hộ tới nơi. Quá trình này nhằm đảm bảo tàu Orion sẵn sàng để chở phi hành gia trong tương lai. 

Tàu vũ trụ Orion đã bay ở tốc độ gấp khoảng 32 lần vận tốc âm thanh (40.000km/h) khi tiếp xúc với khí quyển, nhanh đến mức sóng nén khiến lớp vỏ ngoài phương tiện nóng lên tới 2.760 độ C, tức bằng phân nửa nhiệt độ của vành đai bên ngoài Mặt trời. Đây là một thử nghiệm lớn đối với tấm chắn nhiệt, được thiết kế để bảo vệ tàu khỏi tác động khi hồi quyển. 

Tuy không có phi hành gia nào trong nhiệm vụ Artemis I (chỉ có vài hình nộm dùng để thu thập dữ liệu), việc chứng minh tàu vũ trụ có thể trở về an toàn có ý nghĩa quan trọng. Mục tiêu cuối cùng của NASA là đưa phi hành gia tới sao Hỏa, một nhiệm vụ với quá trình hồi quyển nhanh và mạo hiểm hơn nhiều.

Với thành công của nhiệm vụ Artemis I, NASA sẽ phân tích dữ liệu thu thập trong chuyến bay này và lựa chọn phi hành đoàn cho nhiệm vụ Artemis II cất cánh vào năm 2024. Phi hành đoàn gồm 4 người sẽ được công bố vào đầu năm tới. Artemis II sẽ đưa các nhà phi hành bay theo hành trình tương tự Artemis I, vòng quanh Mặt Trăng rồi quay về mà không hạ cánh xuống bề mặt. Đến năm 2025, nhiệm vụ Artemis III sẽ sử dụng tàu Orion và Hệ thống Đổ bộ Con người của Hãng SpaceX để đưa các nhà du hành đặt chân lên Mặt trăng, bao gồm nữ phi hành gia và phi hành gia da màu đầu tiên. Ở sứ mệnh này, chỉ có 2 phi hành gia đổ bộ xuống cực Nam của Mặt trăng, trong khi 2 đồng nghiệp còn lại ở lại tàu Orion trên quỹ đạo. Trong chương trình Artemis, mỗi nhiệm vụ tiêu tốn hơn 4 tỉ USD, chưa bao gồm chi phí phát triển trị giá vài tỉ USD. Đến cuối tài khóa 2025, NASA ước tính họ sẽ chi 93 tỉ USD cho các nhiệm vụ Artemis.

Chương trình Artemis là nỗ lực của NASA nhằm đưa con người quay lại Mặt trăng từ sau khi chương trình Apollo khép lại. NASA đặt mục tiêu đưa con người đặt chân lên Mặt trăng trước năm 2030 và thiết lập một căn cứ tại đó cho việc thám hiểm sao Hỏa trong tương lai.

Mặt trăng chưa bao giờ hết “nóng”

Chỉ vài giờ trước khi tàu Orion của NASA trở về Trái đất, một phi thuyền khác cũng đã rời bệ phóng hướng tới Mặt trăng.

Cụ thể, tàu đổ bộ Mặt trăng không người lái do Công ty khởi nghiệp ispace của Nhật Bản phát triển đã được phóng thành công từ Mũi Canaveral ở bang Florida, Mỹ. Phương tiện mang theo những robot nhỏ do Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và các tổ chức khác phát triển. Tàu sẽ tiến hành thăm dò bề mặt và thử nghiệm với nhiều loại công nghệ. Dự kiến tàu sẽ đáp xuống miệng hố va chạm Atlas trên bề mặt Mặt trăng vào tháng 4-2023 và nếu đổ bộ thành công, ispace sẽ trở thành công ty tư nhân đầu tiên làm được điều này. Tàu đổ bộ Hakuto-R của Nhật Bản khi đó cũng sẽ “nhả ra” xe tự hành Rashid do Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chế tạo để thám hiểm Mặt trăng, đánh dấu sứ mệnh đầu tiên của nước này trên bề mặt hành tinh cách Trái đất 380.000km.

Chia sẻ bài viết