10/08/2022 - 08:51

Tập trung cải thiện các chỉ số về cải cách hành chính 

Bài, ảnh: TÚ ANH

Ðoàn kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) TP Cần Thơ vừa kết thúc kiểm tra công tác CCHC tại quận Ninh Kiều, Bình Thủy, huyện Thới Lai và Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ. Tại các đơn vị, địa phương, đoàn kiểm tra ghi nhận những mô hình hay, cách làm sáng tạo; đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp khắc phục nhằm cải thiện các chỉ số về CCHC.

Ðoàn kiểm tra CCHC TP Cần Thơ kiểm tra Bộ phận Một cửa Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ.

Quyết liệt cải cách

Theo ông Lâm Hồng Thái, Trưởng Phòng Nội vụ quận Ninh Kiều, từ đầu năm đến nay, quận đã hoàn thành 62% nhiệm vụ CCHC. Trong đó, quận tiếp tục duy trì và nhân rộng các sáng kiến, giải pháp, cách làm mới trong thực hiện CCHC như: mô hình “Ngày thứ Sáu trực tuyến” tại phường An Phú; “Nụ cười tiếp dân” tại phường An Cư; kết hợp giải quyết đồng thời 2 thủ tục hành chính (TTHC) đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế của Phòng Tài chính - Kế hoạch và Chi cục Thuế quận. Ðể cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC của quận trong năm 2022 và các năm tiếp theo, quận họp bàn các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.

UBND quận tăng cường công tác kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tính đến tháng 7-2022, địa phương đã hoàn thành kế hoạch kiểm tra trong năm 2022, với 4 phòng chuyên môn, 3 ngành và 11 phường, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các đơn vị được kiểm tra đều có thông báo kết luận, giao cơ quan, đơn vị khắc phục hạn chế. Quận cũng ban hành đầy đủ kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại quận Bình Thủy, UBND quận đã thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số, đồng thời chỉ đạo UBND các phường kiện toàn tổ công tác triển khai Ðề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện quận đã thành lập 54 tổ công nghệ số cộng đồng với 369 thành viên. Các tổ thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ trực tuyến. Tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 từ đầu năm đến nay của quận đạt 62,7%, tăng 41,12% so với năm 2021, vượt 32,7% so với mục tiêu kế hoạch CCHC năm 2022.

Huyện Thới Lai đã đầu tư xây dựng trụ sở Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của Công an huyện, bố trí tập trung tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện, giúp người dân thuận tiện giải quyết TTHC. Nhiều mô hình, sáng kiến trong công tác CCHC được triển khai như: diễn đàn Chủ tịch UBND huyện lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp; biên soạn và phát hành sổ tay hướng dẫn một số TTHC cơ bản, tờ rơi hướng dẫn và đăng ký dịch vụ công trực tuyến.

Tại Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt khá cao. Ban hiện có 35 TTHC; trong đó, có 33 TTHC được thực hiện qua dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; số lượng dịch vụ công trực tuyến của đơn vị đạt 76%; số hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 86%. Kết quả đó là nhờ Ban đã phát động thi đua CCHC; tăng cường tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến đến cộng đồng doanh nghiệp.

Thúc đẩy xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp và hiện đại

Bên cạnh kết quả đạt được, đoàn kiểm tra còn ghi nhận một số địa phương chưa niêm yết TTHC đầy đủ và kịp thời, chưa niêm yết các thông tin về phí/lệ phí, quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù, danh sách hộ nghèo (hoặc có nhưng niêm yết ở vị trí không thuận tiện, gây khó khăn cho người dân khi tra cứu, tìm hiểu). Một số địa phương còn để giải quyết hồ sơ trễ hạn; bộ phận Một cửa chưa trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ người dân. Ông Tống Văn Nhịn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố, thành viên đoàn kiểm tra cho rằng, các địa phương cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, cụ thể là đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin về TTHC, phí/lệ phí và các văn bản lĩnh vực đất đai. Ðây cũng là tiêu chí quan trọng của chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Ðồng thời, cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao tinh thần phục vụ, đạo đức và trách nhiệm công vụ, tránh gây phiền hà cho người dân.

Một trong những hạn chế mà nhiều địa phương gặp phải là tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực truyến mức độ 3, mức độ 4 còn thấp. Tại huyện Thới Lai, chỉ có 2/170 dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến và chỉ có 3 hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; cấp xã chỉ có 3/49 dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến, có 3 hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tại quận Ninh Kiều, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ở cấp quận chỉ đạt 6%, tương tự ở cấp phường, tỷ lệ này chỉ có 7%.

Về nguyên nhân của tình trạng này, hầu hết lãnh đạo các địa phương cho rằng người dân chưa có thói quen thực hiện TTHC trên môi trường mạng, cũng như việc tạo lập tài khoản dịch vụ công qua nhiều bước, trong khi người dân, nhất là người cao tuổi không am hiểu công nghệ thông tin. Theo ông Trương Hồng Dự, Phó Trưởng Ðoàn kiểm tra CCHC thành phố, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, để nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đòi hỏi các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền. Ông gợi ý các địa phương cần học tập mô hình của ngân hàng, trực tiếp hướng dẫn người dân tạo tài khoản, sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngay từ lần đầu tiên thực hiện TTHC, sau đó in phiếu hướng dẫn để người dân tự thực hiện khi có nhu cầu thực hiện TTHC ở các lần sau. Công tác tuyên truyền phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đối tượng thanh niên trước, sau đó mở rộng đến các đối tượng khác; cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện TTHC trên môi trường mạng.

Ðoàn kiểm tra cũng đề nghị lãnh đạo các đơn vị, địa phương quyết liệt chỉ đạo, đề ra giải pháp để vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp và hiện đại.

Chia sẻ bài viết