09/03/2019 - 15:36

Tạo xung lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2019, cả nước có 15.979 doanh nghiệp (DN) được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt hơn 247,3 nghìn tỉ đồng, giảm 14,6% về số DN nhưng tăng 25,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Nếu tính cả 6.134 lượt DN đăng ký bổ sung vốn, tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung vào nền kinh tế đạt gần 778,6 nghìn tỉ đồng, tăng 88%. Trong 2 tháng, cả nước có 10.191 DN trước đây gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, nay hoạt động trở lại, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự cải thiện đáng kể của các địa phương trong tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch giúp DN khởi sự thành công. Mặc dù số DN gia nhập thị trường giảm so cùng kỳ năm ngoái, nhưng vốn đăng ký tăng, khẳng định quy mô vốn đầu tư của DN đang có chiều hướng tăng lên.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước đến cuối năm 2018, cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Năm 2019, Chính phủ xác định tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế... nhằm tạo ra mũi đột phá trong phát triển. Đồng thời đón đầu các cơ hội đầu tư, hợp tác từ CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương). CPTPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và được kỳ vọng tạo hấp lực thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng xuất khẩu cho các ngành hàng chủ lực của Việt Nam. Song, vấn đề là các DN cần nắm chắc các cơ hội này như thế nào để tồn tại và phát triển cùng CPTPP.

Trên thực tế, DN Việt vẫn đang đuối sức trong sân chơi toàn cầu và nhiều DN rời bỏ thị trường sớm do thiếu lực, thiếu chiến lược. Các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN của Chính phủ có nhiều nhưng triển khai đi vào thực tế còn chậm. Nhiều chính sách vừa ra đời đã phải sửa đổi, bổ sung do không sát thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của DN. Nhưng cũng còn DN vẫn đang trông chờ vào sự hỗ trợ nên chậm chuyển động, nhất là đổi mới công nghệ và thiếu các hoạt động sáng tạo.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2019, cả nước có tới 13.519 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,8% và 3.156 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2018; 7.843 DN bị thu hồi Giấp chứng nhận đăng ký kinh doanh do không có mã số DN, đã giải thể nhưng chưa hoàn tất thủ tục, ngừng hoạt động không thông báo... Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá đúng nội lực của DN để có chiến lược hỗ trợ căn cơ, cần sự hậu kiểm DN sau khi hoàn tất các thủ tục thành lập DN của cơ quan chức năng nhằm đồng hành cùng DN trước, trong và sau khi thành lập, tạo xung lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp trên toàn quốc, Nghị định 38/2018/NĐ-CP (ngày 20-3-2018) của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được xem là cơ sở để xác lập hành lang pháp lý cho DN tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Vốn luôn là điều kiện tiên quyết đối với DN khởi nghiệp. Nghị định 38 hướng dẫn việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp... nếu được vận dụng đúng sẽ phát huy hiệu quả, tạo động lực cho cộng đồng khởi nghiệp.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết