24/11/2020 - 10:02

Tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế 

Từ đầu quý IV, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP Cần Thơ tiếp tục tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, da dạng hóa các sản phẩm cho vay, tập trung cho vay sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, triển khai thực hiện các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Quy trình kiểm mẫu gạo nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu tại Công ty CP  Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

Quy trình kiểm mẫu gạo nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. 

Lãi suất cho vay giảm

Trong năm 2020, nhìn chung khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp do những tác động, ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài qua nhiều tháng. Các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải bị ảnh hưởng nhiều nhất; lĩnh vực xuất khẩu cũng sụt giảm do tình hình dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới còn diễn biến phức tạp. Nền kinh tế chịu tác động từ dịch COVID-19 đã dẫn đến cầu tín dụng thấp. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều giảm lãi suất đại trà để đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng trong dịp cuối năm. Ngành ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5-3% tùy theo từng nhóm đối tượng. Do là ngành dọc nên việc triển khai chính sách tiền tệ đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, thống nhất trong toàn hệ thống. Ðối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa thời điểm đầu năm 2020 là 5,5%/năm thì đến cuối quý III là 5%/năm và sang quý IV đã giảm xuống chỉ còn 4,5%/năm. Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến từ 6,0-8,5%/năm; trung và dài hạn từ 8,5-11%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, đến cuối tháng 10-2020, huy động vốn trên địa bàn chỉ tăng 3,5% so với đầu năm 2020, thấp hơn so với cùng kỳ và mức trung bình toàn quốc. Trong khi tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10-2020 tăng 7,76% so với đầu năm 2020, cao hơn mức trung bình toàn quốc (cả nước tăng 6,25%). Dự kiến đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng TP Cần Thơ có thể tăng trên 10%. Dù không thể đạt mục tiêu dự kiến tăng trưởng tín dụng đề ra cho năm 2020 là 12-14%, song mức tăng dự kiến này khá khả quan. Tăng trưởng tín dụng tại TP Cần Thơ cao hơn mặt bằng chung phần nào khẳng định khả năng hấp thụ vốn của DN tại Cần Thơ tốt hơn so với nhiều địa phương. Các ngân hàng thương mại tại TP Cần Thơ cũng sử dụng nhiều giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng DN. Xử lý nợ xấu của các TCTD cũng đạt mục tiêu đề ra. Dù tình hình hoạt động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng các TCTD đã khống chế nợ xấu ở mức cho phép, xử lý được các khoản nợ xấu cũ.

Đưa vốn vào nền kinh tế

Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, đến nay, một số khách hàng phục hồi được sản xuất trở về trạng thái bình thường mới, đã thực hiện tất toán nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN. Từ đó cho thấy các giải pháp kịp thời của NHNN và sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng đã mang đến hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển ổn định kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ngành hàng xuất khẩu gạo và nông nghiệp nông thôn tăng trưởng khá tốt nên dư nợ tín dụng lĩnh vực này tăng trưởng cao hơn.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) là một trong những ngân hàng triển khai nhiều chương trình ưu đãi từ đầu năm đến nay, bao gồm miễn giảm phí và lãi suất cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Vietbank Chi nhánh Cần Thơ, chia sẻ: "Cuối năm nhu cầu vốn tiêu dùng luôn tăng cao do người dân cần sửa chữa nhà, mua xe và sắm vật dụng mới trong mùa lễ, Tết. Tuy nhiên, năm nay dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của người dân, tác động lớn đến nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh. Do đó, Vietbank đang triển khai gói ưu đãi 2.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân với mức lãi suất hấp dẫn. Cụ thể, với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh có tài sản bảo đảm tại Vietbank sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm cố định trong 3 tháng đầu, 7%/năm cố định trong 6 tháng đầu và 8,5%/năm cố định trong 12 tháng". Theo ông Lâm, với gói ưu đãi 2.000 tỉ đồng này, Vietbank sẽ góp phần hỗ trợ người dân giải quyết được nhu cầu tiêu dùng cuối năm cũng như tiếp sức cho khách hàng cá nhân kinh doanh có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, giúp kinh tế từng bước phục hồi sau đại dịch. Trước đó, Vietbank đã triển khai nhiều chương trình như miễn, giảm phí chuyển tiền trong nước và quốc tế; cùng nhiều loại phí dịch vụ khác cho khách hàng giao dịch qua ngân hàng điện tử…

Theo ông Trần Quốc Hà, không phải các ngân hàng thừa vốn mới có động thái giảm lãi suất mà là với sự liên thông trên thị trường vốn nên các TCTD  sẽ chủ động điều tiết để đáp ứng kịp thời nhu cầu cung ứng vốn cho nền kinh tế. Quan hệ của các ngân hàng với DN là quan hệ "cộng sinh", đôi bên cùng có lợi trên cơ sở cùng thấu hiểu, cùng chia sẻ với nhau. Tại TP Cần Thơ, không chỉ có ngân hàng liên kết với DN mà các ngân hàng cũng liên kết chia sẻ thông tin, phối hợp trong việc cấp tín dụng, giải quyết nhu cầu vốn của DN. Bởi mỗi DN thường có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng, các ngân hàng hỗ trợ thông tin cho nhau nhằm hỗ trợ cho khách hàng tốt hơn. Không chỉ được giảm lãi suất cho vay, nhiều DN ở Cần Thơ còn nhận được sự hỗ trợ giải quyết kịp thời từ phía ngân hàng để triển khai kịp thời các đơn hàng xuất khẩu. Thay vì căn cứ vào tài sản thế chấp, nhiều ngân hàng đã cấp tín dụng bằng hình thức chiết khấu L/C, hợp đồng mua bán, tồn kho hàng hóa… để giải quyết kịp thời nhu cầu vốn cho DN thực hiện thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu khi vào mùa vụ cũng như dịp cuối năm này.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết