13/11/2011 - 08:43

Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 19:

Tăng cường hợp tác thương mại

* Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho tiến trình gia tăng hợp tác và liên kết kinh tế khu vực

Đêm qua 12-11, hội nghị thượng đỉnh thường niên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 19 (APEC 19) đã khai mạc tại Honolulu, bang Hawaii (Mỹ). Với chủ đề “Hướng tới một nền kinh tế liền khối”, hội nghị 2 ngày này có sự tham dự của khoảng 10.000 đại biểu là các nguyên thủ quốc gia, Bộ trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp của 21 nước thành viên APEC.

Trong thời gian tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 19 tại Hawaii ( Mỹ), ngày 11-11-2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Mỹ.
Ảnh: TTXVN 

Theo các nguồn tin nước ngoài, một trong những nội dung chính được thảo luận tại APEC19 là củng cố điều lệ nội khối, công bố khung Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm thành lập một khu vực tự do thương mại trong APEC. Ngoài ra, lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên cũng thảo luận các chủ đề như thúc đẩy hội nhập kinh tế, tự do thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các chính sách nhằm tăng cường sự khôi phục kinh tế toàn cầu, đạt được tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng hơn.

Với tư cách Chủ tịch APEC, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế Mỹ - châu Á trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu. Ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Obama là TPP, thỏa thuận thương mại tự do đa phương đang được đàm phán giữa Mỹ với 8 nước ven bờ Thái Bình Dương. Simon Tay, Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế Singapore, cho rằng TPP đã trở thành “cuộc tranh giành ảnh hưởng” ở Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ, và là “yếu tố thay đổi cuộc chơi” về sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương. Một “cú hích” cho TPP khi Nhật Bản vừa quyết định tham gia đàm phán thỏa thuận này.

TPP hiện gồm các nền kinh tế Chile, New Zealand, Brunei và Singapore. Mỹ, Úc, Malaysia, Việt Nam và Peru đang đàm phán gia nhập TPP. Sự tham gia của Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sẽ là sự mở rộng đáng kể quy mô của TPP.

Chủ tịch nước ta Trương Tấn Sang (phải) gặp phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Hillary Clinton dẫn đầu bên lề hội nghị APEC 19. Ảnh: AFP 

Bên cạnh TPP, một vấn đề khác được các nhà lãnh đạo APEC quan tâm là tìm cách ngăn chặn khủng hoảng nợ ở châu Âu làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Phát biểu khai mạc cuộc họp cấp Bộ trưởng Kinh tế và Ngoại giao trước thềm hội nghị thượng đỉnh APEC, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng nhiều nguồn lực bên ngoài Thái Bình Dương sẽ tác động lên khu vực. Vì vậy, với vai trò chủ nhà APEC, Mỹ đã tăng cường thương mại, xúc tiến tăng trưởng xanh và hợp tác về nguyên tắc và các chuẩn mực nhằm giúp tháo gỡ các rào cản thương mại và khuyến khích tăng trưởng nhanh hơn.

Tại Honolulu, Washington cũng tăng sức ép với Trung Quốc yêu cầu Bắc Kinh cam kết tự do hóa thương mại nhanh hơn và nới lỏng kiểm soát tiền tệ. Tuyên bố chung của hội nghị bộ trưởng tài chính APEC hôm 10-11 cũng kêu gọi các nước linh hoạt tỷ giá hối đoái. Tuy Trung Quốc có sự cởi mở về chính sách tiền tệ nhưng không ủng hộ TPP. Đầu tuần này, một quan chức chủ chốt ở Bắc Kinh mô tả TPP là “quá tham vọng”.

Các nhà phân tích cho rằng APEC thiếu cơ chế ràng buộc và mọi quyết định chỉ dựa vào sự nhất trí, vì vậy viễn cảnh cho những thay đổi lớn là hạn chế. Tuy nhiên, trong thời gian qua, những nỗ lực của APEC đã giúp tạo dựng sự ủng hộ mối quan hệ kinh tế gần gũi và thương mại tự do hơn.

* Theo đặc phái viên TTXVN, trong buổi Tiệc trưa chào mừng các nhà lãnh đạo mới của APEC được tổ chức hôm 11-11, Chủ tịch nước ta Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu đề cao vai trò của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và APEC đối với quá trình phát triển của Việt Nam. APEC hiện là khu vực cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất, chiếm 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, 60% giá trị xuất khẩu và 80% giá trị nhập khẩu, và 75% khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho tiến trình gia tăng hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của kinh tế Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai.

Các doanh nghiệp APEC đánh giá cao những thành tựu có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam trong quá trình đổi mới và nỗ lực hội nhập quốc tế sâu và toàn diện; khẳng định ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng; tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới; sẽ tích cực mở rộng và triển khai các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Cũng trong ngày 11-11, Chủ tịch nước đã dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ, tiếp Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ và gặp gỡ lãnh đạo của một số tập đoàn lớn thuộc các nền kinh tế APEC. Qua trao đổi, các doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn về những nỗ lực của Việt Nam trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bày tỏ tin tưởng về các biện pháp kinh tế của Chính phủ; chia sẻ các kế hoạch sắp tới của mình tại Việt Nam và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ để hiện thực hóa các kế hoạch này.

Ngoài ra, Chủ tịch nước ta cũng đã có các cuộc gặp với Tổng thống Chile Sebastian Pinera, Tổng thống Peru Ollanta Humala và gặp với lãnh đạo 11 quốc đảo Thái Bình Dương đang tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương. Tại các cuộc gặp, lãnh đạo các nước đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp giữa các nước với Việt Nam, trao đổi những biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.

N. MINH
(Theo AFP, Reuters, Bloomberg, TTXVN)

N. MINH (Theo AFP, Reuters, Bloomberg, TTXVN)

Chia sẻ bài viết