13/07/2024 - 06:58

Tăng cường giám sát, phòng, chống bệnh bạch hầu 

(CT) - Sở Y tế TP Cần Thơ vừa có công văn gởi các đơn vị y tế, bệnh viện tăng cường công tác giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu.

Tiêm ngừa cho trẻ đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: H.HOA

Theo đó, tất cả các đơn vị y tế nâng cao cảnh giác, không chủ quan trong công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.

Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ chủ động giám sát, điều tra, lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm khi phát hiện các trường hợp nghi mắc/mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn thành phố. Phối hợp Trung tâm Y tế quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để không để dịch bùng phát, lan rộng. Tiếp tục duy trì đội phản ứng nhanh chống dịch, bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh xảy ra.

Rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện tổ chức việc theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.

Rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vaccine, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các nhiệm vụ chống dịch. Huy động nhân lực hỗ trợ các khu vực có dịch, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tổ chức các lớp tập huấn và đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch ứng phó các tình huống đáp ứng phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.

Tất cả cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm và thực hiện báo cáo trường hợp nghi bạch hầu/mắc bạch hầu. Rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn. Khi phát hiện các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ nghĩ tới bạch hầu, các cơ sở y tế cần ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu; triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị. Tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết. Hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên đối với các ca bệnh khó, ca bệnh nặng, hội chẩn trước khi chuyển tuyến. Triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn.

Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.

Các đơn vị khám, chữa bệnh tập huấn lại Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.

Trung tâm Y tế phối hợp bệnh viện đa khoa quận, huyện tổ chức triển khai Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu của Bộ Y tế đến tất cả Trạm Y tế trên địa bàn.

Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 6 trường hợp mắc, trong đó 1 trường hợp tử vong.

H.HOA

Chia sẻ bài viết