02/03/2014 - 20:53

Phong Điền

Tăng cường giám sát, chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

Dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên phạm vi cả nước và diễn biến ngày càng phức tạp. Trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra 10 ổ dịch ở 4 quận, huyện. Trước tình hình dịch trên, huyện Phong Điền triển khai nhiều biện pháp, đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống, sẵn sàng ứng phó dịch bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe người dân...

Toàn huyện Phong Điền hiện có 1.496 hộ chăn nuôi gia cầm với tổng đàn là 79.313 con, gồm: 41.424 con gà và 34.442 con vịt. Trong đó có 71 hộ chăn nuôi tập trung với khoảng 55.000 con và 1.425 hộ nuôi nhỏ lẻ. Thời gian qua, mặc dù Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) của huyện nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra trên địa bàn huyện. Từ ngày 27-12-2013 đến cuối tháng 2-2014, ở Phong Điền xảy ra 5 ổ dịch cúm gia cầm tại 3 xã Trường Long, Tân Thới và Nhơn Nghĩa. Trong đó, có 2 ổ dịch còn trong thời hạn 21 ngày, ngành chức năng địa phương đã tiến hành tiêu hủy 3.187 con gia cầm mắc bệnh. Đồng thời, thực hiện tiêu độc sát trùng triệt để môi trường và chuồng trại chăn nuôi tại các xã có dịch. Song song đó, huyện tập trung triển khai công tác tiêm phòng trên địa bàn các xã, thị trấn; đặc biệt là các xã có dịch bệnh. Tính đến cuối tháng 2-2014, ngành thú y huyện đã tiêm chủng được 30.237 con gà tại 1.035 hộ, đạt 67,38% và 25.483 con vịt tại 461 hộ, đạt 70,32%.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, trước trong và sau khi xảy ra dịch bệnh, Ban Chỉ đạo huyện phối hợp cùng Chi cục Thú y TP Cần Thơ chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Khi phát hiện xảy ra ổ dịch, huyện chỉ đạo UBND các xã có gia cầm mắc bệnh tập trung mọi lực lượng thực hiện khẩn cấp những biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nhanh chóng bao vây, khống chế các ổ dịch. Tổ chức họp dân để tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân về bệnh cúm gia cầm và thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Thường xuyên giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh những nơi xảy ra ổ dịch báo cáo hằng ngày về Ban Chỉ đạo huyện. Đồng thời, triển khai tiêu độc sát trùng và tiêm phòng bao vây ổ dịch tại các xã có xảy ra dịch bệnh và các xã có thể bị dịch bệnh đe dọa. Lập chốt kiểm dịch tại các xã có dịch để giám sát tình hình dịch bệnh, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ theo quy định. Ngoài ra, Phong Điền chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để vừa nâng cao ý thức của người dân, vừa thực hiện hiệu quả hoạt động phòng dịch. Chẳng hạn, đẩy mạnh tuyên truyền trên Đài Truyền thanh huyện, xã để người dân nắm rõ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh…

Chủ động tiêm phòng cho gia cầm là một trong những giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. (Trong ảnh: Cán bộ thú y tiêm ngừa cho đàn vịt tại huyện Phong Điền).
 

Song song với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng địa phương, nhận thức của phần lớn nhân dân nhất là đối với các hộ chăn nuôi tập trung về dịch bệnh cúm gia cầm được nâng lên. Anh Võ Văn Cầm ở ấp Bình Thạnh, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, cho biết: Hiện nay, gia đình anh đang nuôi 5.000 con gà, đây là nguồn thu nhập chính. Từ khi nuôi gà đến nay đã được 5-6 năm, gia đình anh luôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc tiêm ngừa các loại vắc -xin để đảm bảo đàn gà phát triển tốt, ổn định. Bên cạnh đó, gia đình thường xuyên tiến hành vệ sinh chuồng trại. Trong giai đoạn dịch bệnh gay gắt như hiện nay, để bảo vệ đàn gà anh Cầm tăng cường vệ sinh chuồng trại, thay vì trước đây 1 tuần/lần bây giờ 3-4 ngày vệ sinh 1 lần kết hợp tiêu độc, khử trùng. Ngoài ra, để tránh lây lan dịch bệnh từ bên ngoài, anh hạn chế để người lạ tiếp xúc với đàn gà, đối với các thành viên trong gia đình khi ra ngoài về phải tắm rửa sạch sẽ mới được vào trại gà.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Phong Điền vẫn còn xảy ra tình trạng các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ, lẻ không thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện. Bởi đây là nguồn dễ gây ra dịch bệnh và khó kiểm soát. Để giải quyết thực trạng trên, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp trạm thú y huyện thường xuyên vận động các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ tham gia tiêm phòng đầy đủ. Tuyên truyền vận động người dân hạn chế nuôi gia cầm manh mún, nhỏ lẻ. Song song đó, phát triển mô hình chăn nuôi tập trung an toàn sinh học, chú trọng nhân rộng mô hình chăn nuôi vệ sinh an toàn. Ngoài ra, Phong Điền xây dựng kế hoạch từng bước di chuyển các trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung, tránh phát tán dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, Phong Điền tập trung cả hệ thống chính trị thực hiện nghiêm, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh theo Pháp lệnh Thú y và quy định của ngành nông nghiệp. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: Trước mắt, ngành chức năng huyện Phong Điền tiếp tục tổ chức tiêm bao vây ổ dịch tại các xã, thị trấn đã xảy ra dịch bệnh, các xã có khả năng xảy ra dịch bệnh và tiêm phòng gia cầm trên toàn bộ địa bàn huyện. Đồng thời, duy trì công tác tiêu độc, sát trùng tại vùng xảy ra ổ dịch. Huyện tiếp tục duy trì hoạt động chốt kiểm dịch tại xã có dịch để giám sát tình hình dịch bệnh, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm theo quy định; giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên địa bàn... Đối với các địa phương chưa có bệnh cúm gia cầm xảy ra, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm gia cầm mắc bệnh ngăn chặn kịp thời các ổ bệnh mới phát sinh. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; vận động người dân hạn chế nuôi gia cầm nhỏ, lẻ. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành chức năng huyện Phong Điền sắp tới là quản lý tốt sự di chuyển đàn gia cầm tránh lây lan dịch bệnh. Bởi hiện trong giai đoạn thu hoạch lúa, nhiều đàn vịt chạy đồng từ địa phương khác đổ về, nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao...

Bài, ảnh: T.TRINH

Chia sẻ bài viết