29/11/2021 - 09:03

Tăng cường dinh dưỡng cho người cao tuổi 

Già yếu, bệnh tật, buồn chán, điều kiện sống khó khăn, thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe… là những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến việc ăn uống, khiến người cao tuổi gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng. Theo nhiều nghiên cứu ở Việt Nam, người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên trong cộng đồng có nguy cơ suy dinh dưỡng khoảng 10% và có thể lên tới 50% khi nằm viện.

Tuổi cao, sức yếu, điều kiện sống thiếu thốn ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe thể chất của người cao tuổi.

Tuổi cao, sức yếu, điều kiện sống thiếu thốn ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe thể chất của người cao tuổi.

Cụ bà Nguyễn Thị Tư (70 tuổi, ở huyện Phong Điền) mang trong mình nhiều thứ bệnh, gồm thiếu máu cơ tim, cao huyết áp, đái tháo đường, đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh không liên tục, chỉ khi nào đau nhức quá, bà Tư ra tiệm thuốc tây mua vài liều về uống tạm. Ban đêm, bà thường xuyên lên cơn khó thở, giấc ngủ chập chờn, không ngon giấc. Tuổi cao, nhưng cuộc sống tuổi xế chiều của bà Tư nhiều khốn khó. Mỗi ngày, bà ở nhà trông cháu nội, dọn dẹp nhà cửa, cho con trai đi làm thuê. Bữa ăn thường xuyên của gia đình chỉ với hột vịt kho và mớ rau hái cặp mé sông trước nhà. Ăn uống kham khổ lại thêm lo lắng dịch bệnh, gần đây bà Tư sụt cân, luôn thấy mệt mỏi, sức khỏe suy kiệt.

Nhiều người quan niệm tuổi cao không lao động nhiều nên không cần ăn uống nhiều nhưng thuốc men thì không thể thiếu. Một số cụ “uống thuốc thay cơm” mỗi ngày, lệ thuộc vào thuốc như liệu pháp tâm lý để chữa trị bệnh tật, vực dậy sức khỏe tuổi xế chiều. Theo các bác sĩ chuyên khoa lão khoa, việc ít vận động, ít chú ý dinh dưỡng cũng như thiếu quan tâm đến đời sống tinh thần khiến tuổi già ngày càng lún sâu vào vòng tròn ốm đau, bệnh tật, cô đơn. Tại các khoa khám bệnh ở các bệnh viện đa khoa hay khoa chuyên khoa lão học, lượng người cao tuổi mắc bệnh mạn tính đến khám và điều trị chiếm gần 50% tổng số bệnh nhân. Mỗi người cao tuổi trung bình mắc đồng thời từ 2-3 bệnh mạn tính trở lên. 

Sự lão hóa thường kèm theo những thay đổi về sinh lý có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Người cao tuổi suy giảm tri giác, vị giác, khứu giác có thể làm giảm sự thèm ăn. Ngoài ra, sức khỏe răng miệng kém dẫn đến khó nhai cùng với chế độ ăn đơn điệu, kém chất lượng, làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng ở người cao tuổi. Việc sử dụng thuốc thường xuyên, lạm dụng thuốc gây ra quá trình tương tác thuốc và chất dinh dưỡng, làm giảm cảm giác ngon miệng, giảm khả năng hấp thu, chuyển hóa chất dinh dưỡng. Các yếu tố về tâm lý giai đoạn cuối đời cũng ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng, thể trạng của người cao tuổi.

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng suy dinh dưỡng ở người cao tuổi làm gia tăng nguy cơ mắc các loại bệnh, gia tăng nguy cơ nhập viện, kéo dài thời gian điều trị, dẫn đến nhiều biến chứng do nhiễm trùng bệnh viện, bục vết mổ, chậm lành vết thương, loét tì đè do nằm lâu. Người có chỉ số cơ thể BMI <18,5 được chẩn đoán suy dinh dưỡng (tính BMI bằng cách lấy cân nặng (kg) chia chiều cao (m) bình phương). Nhưng suy dinh dưỡng không chỉ dựa vào cân nặng mà còn được chẩn đoán bằng các yếu tố khác như sụt giảm chế độ ăn, sụt giảm khối mỡ dự trữ, teo cơ, khả năng di chuyển và các vấn đề tâm thần kinh.

Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, người cao tuổi cần được cung cấp chế độ ăn phù hợp, vừa đủ năng lượng nhưng giàu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm, vitamin và khoáng chất. Mặc dù nhu cầu năng lượng có giảm dần theo tuổi, nhưng nhu cầu chất đạm, vitamin và khoáng chất khác không thay đổi mấy so với người trẻ tuổi. Do đó, người cao tuổi phải có chiến lược ăn ít nhưng chất lượng với một chén cơm lưng mỗi bữa, trung bình 200 gram thịt, cá và 3-4 phần rau, 2 ly sữa mỗi ngày.

Người cao tuổi cần tăng cường vận động thể lực thể thao vừa sức và tiếp xúc ánh nắng mặt trời, khoảng 30 phút mỗi ngày. Ăn uống, vận động hợp lý không chỉ giúp người cao tuổi phòng chống suy dinh dưỡng mà còn giúp phòng chống loãng xương, sụt giảm khối cơ và giảm nguy cơ té ngã dẫn đến gãy xương bệnh lý. Người thân chăm sóc người cao tuổi cần chú ý nấu thức ăn mềm dễ nhai, chia nhỏ bữa ăn, cung cấp bữa phụ để người cao tuổi ăn thêm. Trình bày thức ăn đẹp mắt, ăn chung bữa với người thân là những yếu tố phụ nhưng góp phần tăng khẩu vị, kích thích người cao tuổi ăn uống đầy đủ. Bên cạnh đó, sử dụng thêm sữa giàu năng lượng và khám tư vấn dinh dưỡng nếu ăn uống quá kém, không đủ nhu cầu.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết