04/06/2023 - 09:24

Tận dụng tối đa các cơ hội để thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế 

Bài, ảnh: GIA BẢO

Năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, với nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp (DN), người dân; hạ lãi suất điều hành, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, thời hạn trả nợ... đã góp phần tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sức khỏe của DN vẫn chưa phục hồi hoàn toàn đang là thách thức lớn cho nền kinh tế. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 cần kết hợp chặt chẽ các công cụ điều hành chính sách vĩ mô, trong đó chính sách tài khóa và tiền tệ là giải pháp then chốt.

Sức khỏe của DN vẫn suy yếu

Tổng cầu đang giảm, DN cần sự hỗ trợ nhiều hơn về thị trường. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu.

Tổng cầu đang giảm, DN cần sự hỗ trợ nhiều hơn về thị trường. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và chỉ tăng 2,9% so với mức tăng 5,1% năm 2021. Sang năm 2023, WB dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 1,7% - đây là mức tăng thấp nhất trong 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh phục hồi và tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á, dự báo của WB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 khoảng 6,3% nhưng sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức khó giải quyết. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ cần có các chính sách linh hoạt hơn, nhất là trong điều kiện triển vọng tài chính toàn cầu tiếp tục thắt chặt, phải linh hoạt hơn trong quản lý ngoại hối; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Đồng thời đảm bảo các khoản đầu tư vào nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi để thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn.

Trong các tháng đầu năm 2023, theo các ngành chức năng, các thị trường lớn và truyền thống của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… có sự sụt giảm, thậm chí còn đứt gãy một số chuỗi cung ứng với những mặt hàng điện tử, dệt may, da giày, khoáng sản, đồ gỗ... Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỉ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 35,19 tỉ USD, giảm 13,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 100,98 tỉ USD, giảm 11,1% so cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%) đã làm giảm 1,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp. Một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 cũng giảm so cùng kỳ; như: sản xuất xe có động cơ giảm 10,1%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 8,5%; sản xuất trang phục giảm 8,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 5,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 5,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 5,1%...

Sự sụt giảm của thị trường trong và ngoài nước làm tắt đầu ra của DN, kéo theo số lượng lao động làm việc trong các DN công nghiệp tại thời điểm 1-5-2023 giảm 4,8% so với cùng thời điểm năm 2022. Sức khỏe của DN vẫn chưa hồi phục sau các tác động của đại dịch COVID-19, thị trường sụt giảm trong khi việc tiếp cận các chính sách tài khóa và tiền tệ cũng còn nhiều khó khăn. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 5 tháng đầu năm 2023, có 55.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; 25.500 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,1% và 7.300 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5% so cùng kỳ năm 2022. Bình quân một tháng có 17.600 DN rút lui khỏi thị trường.

Một số ý kiến của chuyên gia cho rằng, khó khăn của DN hiện nay không chỉ đến từ thể chế mà còn do thị trường, tổng cầu giảm sâu trong thời gian dài và một số DN dựa vào thị trường trái phiếu DN nên khi Chính phủ củng cố lại thị trường trái phiếu thì DN tiếp tục gặp khó. Vì vậy, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, các thị trường trọng điểm này chưa thể phục hồi trong ngắn hạn, cần sự hợp sức của các bộ, ngành Trung ương để tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đang có hiệu lực. Đồng thời đẩy nhanh quá trình thực thi chính sách tài khóa, tiền tệ đã ban hành để hỗ trợ nền kinh tế.

Đồng bộ các giải pháp

Mới đây, thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu đã đóng góp ý kiến xoay quanh các giải pháp kích cầu tiêu dùng, giảm 2% thuế VAT, các chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, cơ cấu lại nợ, thời hạn trả nợ… để gỡ khó cho DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Có ý kiến cho rằng, việc hạ  lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước để làm cơ sở cho việc giảm lãi suất cho vay nhưng đến nay mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Vì chính sách tiền tệ luôn có độ trễ nhất định và do trước đó, các ngân hàng thương mại đã huy động với lãi suất cao trước đó, nên cần thời gian để hạ lãi suất cho vay. Vậy nên vấn đề tín dụng hiện nay là cần sự chia sẻ giữa người đi vay (người dân, DN) và người cho vay (các tổ chức tín dụng).   

Giải đáp về điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, cho biết, các chính sách tiền tệ, giải pháp và thời điểm thực hiện đều được NHNN cân nhắc để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và tạo môi trường kinh doanh tốt cho DN, người dân. Năm 2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 14,16%; trong 5 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng khoảng 3%, thanh khoản ngân hàng đang dồi dào nên dư địa tăng trưởng tín dụng còn khá nhiều. Từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành để làm cơ sở cho các TCTD điều chỉnh hạ lãi suất cho vay và lãi suất cho vay của các khoản vay mới hiện đã giảm 0,9%/năm so với trước đó. NHNN cũng đã ban hành Thông tư cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; chỉ đạo các TCTD rà soát giảm các thủ tục hành chính cho người đi vay… Còn thị trường bất động sản, hiện nay 70% là khó khăn về pháp lý, nên cần tháo gỡ vấn đề này để tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn. Với gói hỗ trợ 2% lãi suất kết quả đạt thấp là do tâm lý e ngại của DN và TCTD khó có thể tự đánh giá thế nào là “có khả năng phục hồi”. Hiện nay, NHNN đang trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 43/2022/QH15 (về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) bỏ cụm từ “có khả năng phục hồi” để tiếp tục triển khai…

Quốc hội cũng đang xem xét Tờ trình của Chính phủ về giảm 2% thuế VAT nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thời hạn áp dụng đến hết ngày 31-12-2023. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề xuất kéo dài thời hạn giảm thuế đến năm 2024, để vừa kích cầu tiêu dùng vừa có thời gian cho DN giải phóng hàng hóa. Đồng thời, các giải pháp hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và kết nối thị trường cũng cần được triển khai đồng bộ để DN giảm bớt các áp lực tồn kho hàng hóa, khơi thông thị trường xuất khẩu… mới có thể đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Chia sẻ bài viết