05/08/2015 - 20:55

Tận dụng thời cơ hội nhập

Năm 2015, Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập mới với những điểm nổi bật. Điển hình như: WTO tiếp tục thúc đẩy hội nhập ngoài nước thông qua đàm phán gói cam kết Bali; APEC đang tham vọng hướng tới việc thành lập Khu vực Thương mại tự do Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP); ASEAN hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 và một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia sẽ kết thúc đàm phán và bắt đầu triển khai thực hiện cam kết… Theo dự báo của các chuyên gia, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) của Việt Nam sẽ diễn ra ngày càng sâu rộng khi các cam kết hội nhập được thực thi. Doanh nghiệp (DN) cần am hiểu thật kỹ về các cam kết liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình để khai thác, tận dụng hiệu quả thời cơ từ hội nhập.

Hội nhập ngày càng sâu rộng

Ngày 29-5-2015, tại Burabay, Kazakhstan, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) chính thức được ký kết gồm 15 chương, 216 điều và 12 phụ lục. Trước đó, Hiệp định khởi động đàm phán từ tháng 3-2013 tại Hà Nội và kết thúc đàm phán tháng 12-2014 tại Phú Quốc với 8 vòng đàm phán chính và nhiều phiên đàm phán kỹ thuật. Với VN-EAEU FTA, Liên minh kinh tế Á Âu cam kết mở cửa đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông sản, hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, một số sản phẩm chế biến…. mở ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Trước đó, ngày 5-5-2015, tại Trụ sở Chính phủ, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) đã chính thức ký kết với 17 chương, 208 điều, 15 phụ lục và 1 thỏa thuận về hợp tác kinh tế. Đây là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số các Hiệp định song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế đã cơ bản hoàn tất đàm phán năm 2014 và chính thức ký kết vào năm 2015.

Theo Hiệp định VN-EAEU FTA, nhóm cam kết mở cửa thị trường bao gồm 9.927 dòng thuế, chiếm khoảng 90% số dòng thuế và khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ông Bùi Hồng Minh, Thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, cho biết: Biểu cam kết thuế quan của EAEU chia thành nhóm mở cửa hoàn toàn và nhóm mở cửa không hoàn toàn. Như đối với ngành dệt may, có 82% tổng số dòng thuế cam kết cắt giảm thuế với kim ngạch xuất khẩu 159 triệu USD. Trong đó có 42% số dòng thuế xóa bỏ hoàn toàn và có lộ trình tối đa trong 10 năm, 39% số dòng thuế xóa bỏ hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực nhưng áp dụng mức phòng vệ ngưỡng trong trường hợp lượng nhập khẩu tăng nhanh. Đặc biệt, đối với ngành thủy sản, EAEU cam kết mở cửa hoàn toàn đối với 95% số dòng thuế, lộ trình tối đa là 10 năm; ngành đồ gỗ 76% cắt, giảm thuế và 65% xóa bỏ hoàn toàn với lộ trình tối đa 10 năm; ngành nhựa cắt giảm 100% số dòng thuế với 97% xóa bỏ hoàn toàn…

Theo VKFTA, ở mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần sau 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thực phẩm Thủy sản Nam Hải, TP Cần Thơ.

Với VKFTA, Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí…Theo ông Bùi Huy Sơn, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam-Hàn Quốc, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương: Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang…. Thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241-420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc. Với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần sau 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm. Trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN.

Tận dụng thời cơ từ hội nhập

Theo các chuyên gia, khi các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, không đồng nghĩa với việc cơ hội kinh doanh sẽ tự nhiên đến. Nếu DN không nắm bắt thông tin sẽ không tận dụng được những ưu đãi mang đến từ việc thực thi các cam kết. Ông Nguyễn Hậu Giang, Phó Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần May Tây Đô, chia sẻ: "Hiện sản phẩm của May Tây Đô có 30% xuất khẩu sang thị trường Mỹ, 30% sang châu Âu, 20% sang thị trường Hàn Quốc, 10% vào thị trường Úc, 5% nội địa và 5% là các nước khác. Do đó, công ty thường xuyên cập nhật thông tin hội nhập, các ưu đãi thuế quan khi ký kết các Hiệp định thương mại tự do để tranh thủ những ưu đãi này".

Ông Bùi Hồng Minh, Thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, khẳng định: Hiệp định FTA VN-EAEU tháo dỡ hàng rào thuế quan, có tác dụng gián tiếp tăng cơ hội kinh doanh cho DN nhưng vai trò quyết định vẫn phải là DN. DN phải tìm hiểu về nội dung cam kết liên quan đến mặt hàng của mình trên các khía cạnh thuế quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa, biện pháp kỹ thuật, biện pháp phòng vệ, chống phá giá, chống trợ cấp. DN phải đánh giá được tác động của các cam kết đối với hoạt động kinh doanh của DN mình cũng như các đối tác, đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh các biểu thuế, DN cần lưu ý tìm hiểu quy định về quy tắc xuất xứ-một hàng rào kỹ thuật kiểu mới có thể hạn chế hoặc vô hiệu hóa ưu đãi về thuế. DN cũng cần quan tâm đến các quy định về hóa đơn nước thứ ba, quy định trừng phạt khi khai báo sai xuất xứ và quy định về vận chuyển trực tiếp.

Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương có tác động vĩ mô là góp phần thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu từ, tăng cường xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động… Tác động vi mô là DN có cơ hội kinh doanh, liên kết, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ… Theo ông Bùi Huy Sơn, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam-Hàn Quốc, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương, khi Hiệp định KVFTA được ký kết đi vào thực thi, DN Việt Nam có thể giơ Ăng-ten tìm cơ hội hợp tác đầu tư, xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc, giảm sự phụ thuộc vào một đối tác duy nhất. Tuy nhiên, ở trong nước, DN sẽ gặp phải sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu và DN FDI Hàn Quốc tại Việt Nam. Ở thị trường Hàn Quốc, DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với DN Hàn Quốc và DN các nước châu Á khác. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước lẫn DN trong nước phải chuẩn bị tâm thế thích ứng, vừa nâng cao khả năng cạnh tranh vừa tận dụng tốt những thời cơ từ hội nhập.

Nhìn chung, tác động của việc hội nhập không chỉ ở việc các DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước đối tác mà còn thể hiện qua việc hợp tác đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, Việt Nam đang tăng cường hội nhập trong nước thông qua việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng… để thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết