24/08/2016 - 20:48

Tận dụng cơ hội và lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do

Tận dụng cơ hội và lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu, nhất là rộng đường xuất khẩu cho nông thủy sản vùng ĐBSCL. Song, vấn đề đặt ra khi cánh cửa hội nhập rộng mở, tiêu thụ nông sản ĐBSCL ngày càng đứng trước thách thức lớn, đòi hỏi ngành chức năng và doanh nghiệp cần triển khai các giải pháp quan trọng để phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Cơ hội và lợi thế

Thời gian qua, Việt Nam tham gia vào nhiều FTA quan trọng, như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Các FTA thế hệ mới (TPP, EVFTA) có phạm vi rộng hơn, nội dung cam kết về thương mại, dịch vụ và một phần đầu tư, pháp lý trong các lĩnh vực môi trường, lao động,... mở ra đầy triển vọng cho doanh nghiệp Việt Nam theo hướng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu. 

Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho biết: Khi thực thi EVFTA, tính bổ sung giữa nền kinh tế Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cao hơn tính cạnh tranh. EVFTA tạo ra cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư từ những nước công nghệ, tạo việc làm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời góp phần điều chỉnh lại quan hệ thương mại giữa nước ta với các nước theo hướng hợp lý hơn, tạo lợi thế kinh tế nhờ quy mô và dung lượng thị trường lớn. Hiệp định này xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan trong thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế. Nhờ đó sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh, như: dệt may, nông thủy sản,… Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu thủy hải sản sang thị trường EU đạt khoảng 1,06 tỉ USD, xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 3,5 tỉ USD... EVFTA còn tạo ra những cơ hội tiếp cận thị trường mới trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu. Đây cũng là cơ hội thu hút các nguồn vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam.

TPP hướng tới một sân chơi mới nhằm tạo ra các tiêu chuẩn mới cho thương mại, đầu tư, hội nhập quốc tế. Đây là một hiệp định có vị trí và tầm chiến lược quan trọng tạo điều kiện cân bằng lại quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc vào một khu vực thị trường nhất định. Đây cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường lớn, như: Mỹ, Nhật Bản,…. Với thuế nhập khẩu bằng 0%, kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chắc chắn TPP sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Từ đó, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu do TPP đem lại.

Thời gian qua, vùng ĐBSCL đóng góp hơn 80% lượng gạo xuất khẩu, chiếm 60% lượng thủy sản và chiếm 50% tổng lượng trái cây xuất khẩu của cả nước. Nhưng giá trị gia tăng của những mặt hàng nông lâm thủy sản này vẫn còn thấp còn thấp so với tiềm năng của vùng. Nhiều năm qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, như: TP Cần Thơ, Tiền Giang… thực hiện liên kết, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất và chế biến nông sản, thủy sản. Từ đó, hỗ trợ nông dân liên kết thành lập và phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên canh tác rau củ quả, lúa gạo và nuôi trồng thủy hải sản. Ngoài ra, ĐBSCL còn có nhiều doanh nghiệp, như: Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Công ty cổ phần Gentraco,… đã và đang xây dựng mô hình cánh đồng lớn chuyên sản xuất các giống lúa đặc trưng phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng mối liên kết trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu giữa nông dân và doanh nghiệp. Song song đó, hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn và các tiêu chuẩn kỹ thuật… góp phần hướng tới xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông thủy sản bền vững của vùng ĐBSCL. Cùng với những định hướng đúng đắn trong liên kết sản xuất của các doanh nghiệp vùng ĐBSCL, những FTA đã và sẽ được ký kết sẽ tạo cơ hội lớn cho hàng nông thủy sản xuất khẩu.

Thách thức

Thực thi các FTA mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, thách thức của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, phụ thuộc vào quy mô, ngành hàng, thị trường xuất khẩu, đối thủ cạnh tranh. Trong đó, ngoài tính cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp sản xuất cùng ngành hàng, các hàng rào kỹ thuật trong thương mại và các yêu cầu kiểm dịch từ các thị trường cũng sẽ tăng lên. Đặc biệt, EU là thị trường có tiêu chuẩn cao nếu không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh thì sản phẩm sẽ bị loại. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt còn phải đối mặt với nguy cơ về các vụ kiện phòng vệ thương mại, chống trợ cấp, chống bán phá giá… tại các thị trường mà Việt Nam tham gia FTA.

Theo các chuyên gia kinh tế, trước sức ép cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều doanh nghiệp ĐBSCL còn hạn chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa điều chỉnh theo yêu cầu của hội nhập sẽ gặp nhiều bất lợi lớn. Do đó, muốn hội nhập kinh tế sâu rộng, đòi hỏi doanh nghiệp và ngành chức năng tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần linh hoạt nỗ lực nâng cao chất lượng sản xuất, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh và chất lượng sản phẩm. Muốn tăng khả năng cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới tư duy theo cơ chế kinh tế thị trường, tổ chức liên kết sản xuất. Trong đó, cần có những định hướng, triển khai giải pháp liên kết phát huy vai trò và sức mạnh của các hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi tập trung quy mô, giá trị kinh tế lớn. Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học tiên tiến, tăng cường áp dụng công nghệ và biện pháp quản lý vào sản xuất, nhất là quy trình sản xuất xanh, sạch giảm chi phí đầu vào… Điều này, góp phần hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL trong tiến trình hội nhập thế giới.

Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho biết: Để giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội vượt qua thách thức, Nhà nước cần cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh. Đặt doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh công bằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cùng với tăng trưởng kinh tế nhanh, phải hết sức coi trọng bảo vệ môi trường phát triển kinh tế xanh, bảo đảm phát triển bền vững.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết