14/04/2011 - 10:00

Tầm vóc mới, quyền lực mới

Hôm nay (14-4), hội nghị thượng đỉnh 5 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) sẽ khai mạc tại thành phố nghỉ dưỡng Tam Á, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc. Đây là cuộc họp cấp cao thứ ba kể từ khi BRIC chính thức được thành lập năm 2009 và là lần đầu tiên kể từ khi nhóm này kết nạp thêm Nam Phi (South Africa) để chuyển thành BRICS hồi cuối năm ngoái, nhắm tới mục tiêu và vai trò lớn hơn.

5 quốc gia thuộc BRICS hiện chiếm khoảng 26% diện tích thế giới, 40% dân số và 22% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, và có thể còn tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới. Mục tiêu của BRIC khi mới thành lập là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên. Tuy nhiên, với tiềm năng và vị thế của mình, BRICS ngày nay được đánh giá có thể giúp cân bằng nền kinh tế toàn cầu và đối trọng với Mỹ và các nước phát triển phương Tây trên vũ đài ngoại giao và chính trị quốc tế.

Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày 12-4 có bài viết cho rằng trong hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế mà phương Tây chiếm vị trí chi phối, sự phân phối của cải và sức mạnh không được phân chia đều giữa các nước đang và đã phát triển. Tuy nhiên, theo Tân Hoa xã, trong hai thập kỷ qua, cán cân này dần trở nên cân bằng hơn, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 với sự suy yếu tương đối của phương Tây (điển hình là Mỹ, Nhật và các nước Tây Âu) và sự lớn mạnh của một số nước đang phát triển (nổi bật là 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Tân Hoa xã nhận định dù kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục nhưng tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất hành tinh này vẫn ở mức 8,5%, thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao. Nhiều quốc gia châu Âu cũng đang vất vả đối phó cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ và giờ gặp thêm khó khăn sau thảm họa động đất và sóng thần cách nay một tháng. Trong khi đó, các nước đang phát triển nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và lấy lại đà tăng trưởng nhanh. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế ở các nước mới nổi trung bình khoảng 7,1% năm 2010 và dự đoán đạt 6,4% trong năm nay.

Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, lãnh đạo các nước thành viên thuộc BRICS sẽ bàn giải pháp tăng cường mối quan hệ nội khối, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và thảo luận nhiều vấn đề quốc tế nóng bỏng như tình hình bất ổn lan rộng hiện nay ở Trung Đông và Bắc Phi, tiến trình cải tổ Liên Hiệp Quốc và những nỗ lực nhằm cân bằng sự hiện diện của các nền kinh tế đang phát triển trong các định chế tài chính quốc tế như IMF chẳng hạn.

KIẾN HÒA (Theo Xinhua, Cntv, China Daily)

Chia sẻ bài viết