05/02/2023 - 14:02

Tầm ảnh hưởng của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương 

TRÍ VĂN (Theo South Asian Voices, SCMP)

 

Trong 2 thập niên qua, Trung Quốc tăng cường đáng kể sự hiện diện ở khu vực Ấn Ðộ Dương (IOR). Chính việc mở rộng các cam kết về ngoại giao, kinh tế và quân sự đã tạo ra mối quan ngại về tham vọng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại nơi từ lâu được coi là “sân nhà” của Ấn Ðộ.

Tàu chiến của Ấn Độ tập trận trên Ấn Độ Dương. Ảnh: ANI

 

Tầm quan trọng địa chiến lược của IOR

IOR có tầm quan trọng địa chính trị, địa kinh tế và địa chiến lược to lớn. Kéo dài từ bờ biển phía Ðông châu Phi cho đến bờ biển phía Tây nước Úc, IOR chiếm 20% lượng nước trên bề mặt Trái đất. Vùng biển và vùng lục địa rộng lớn của IOR gồm 38 nước, các đảo lục địa, các quần đảo và từ lâu đã trở thành điểm đến của giới thương gia, các lực lượng thủy quân lục chiến cũng như hải quân. Các tuyến đường quá cảnh của IOR nối phương Ðông với phương Tây và hỗ trợ rất nhiều cho các nền kinh tế trên khắp khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, khu vực này rất giàu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cũng như các nguyên tố đất hiếm.

Trong lịch sử, Ấn Ðộ đóng vai trò là cường quốc thường trực tại IOR. Chiếm 40% vùng biển chiến lược, lợi ích quốc gia của Ấn Ðộ gắn liền với sự phát triển của khu vực. Nằm ở trung tâm IOR, Ấn Ðộ là quốc gia có quan hệ mật thiết với nhiều nước trên khắp IOR. Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt như hiện nay cũng như giữa lúc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, việc hợp tác với các vùng lãnh thổ hải đảo sẽ làm sâu sắc thêm ảnh hưởng cũng như duy trì vai trò lãnh đạo của New Delhi tại khu vực. Ngược lại, nếu không tận dụng vai trò của các quốc đảo này, vị trí lãnh đạo của New Delhi ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng.

Ấn Độ thể hiện vai trò lãnh đạo tại IOR

Ðể duy trì vai trò lãnh đạo tại khu vực, Ấn Ðộ cần tập trung vào 4 lĩnh vực, gồm thúc đẩy ngoại giao, chiếm ưu thế về thông tin, tăng cường sức mạnh quân sự và thúc đẩy năng lực kinh tế.

Hiện quan hệ ngoại giao là thế mạnh lớn nhất của Ấn Ðộ ở IOR. Ra đời từ các mối quan hệ lịch sử, các quốc đảo tại khu vực hoan nghênh sự tham gia của Ấn Ðộ. Nhận thức được điều này, New Delhi đã tăng cường dấu ấn ngoại giao thông qua nhiều chuyến thăm cấp cao nhằm thúc đẩy “ngoại giao biển đảo”. Các sáng kiến của Ấn Ðộ như An ninh và tăng trưởng cho tất cả các nước trong khu vực (SAGAR) hay Hiệp định An ninh Colombo thu hút sự tham gia của các quan chức cấp cao của Maldives và Sri Lanka. Thông qua SAGAR, Hải quân Ấn Ðộ cung cấp các nhóm hỗ trợ y tế, viện trợ lương thực cho các nước tại khu vực trong suốt thời gian bùng phát đại dịch COVID-19. Chính các sáng kiến này đã giúp củng cố vai trò của Ấn Ðộ tại khu vực. Ðể giữ vững vai trò đó, New Delhi trong những năm tới phải mở rộng và tăng cường dấu ấn ngoại giao giữa các quốc đảo, gồm nỗ lực thực hiện nhiều chuyến thăm cấp cao, thành lập thêm các đại sứ quán và ủy ban để giải quyết các yêu cầu cụ thể của từng quốc gia và đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các cấu trúc thể chế trải rộng khắp khu vực.

Nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Ấn Độ tại IOR, Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế của Trung Quốc đã  thành lập Diễn đàn hợp tác phát triển Trung Quốc - IOR quy tụ 19 nước tham gia và cuộc gặp đầu tiên của nhóm được tổ chức hồi cuối tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, Maldives và Úc từ chối cử đại diện tham dự. Collin Kih Swee Lean, chuyên gia Viện nghiên cứu quốc phòng và chiến lược thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam của Singapore, nhận định diễn đàn này đã thể hiện rõ quan điểm lâu nay của Trung Quốc là Ấn Độ Dương không phải của Ấn Độ và Ấn Độ không nên hành xử như nhà lãnh đạo IOR.

Mặt khác, Ấn Ðộ cũng phải thống trị môi trường thông tin. Với sự hiện diện của gần 350 tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc tại IOR, ưu thế về thông tin sẽ cho phép New Delhi theo dõi sát sao sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh cùng với các hoạt động thù địch khác, như khủng bố trên biển và cướp biển. Thật ra, Ấn Ðộ đã có những bước tiến đáng kể trong việc thống trị thông tin. Năm 2018, New Delhi ra mắt Trung tâm thông tin Hải quân Ấn Ðộ - khu vực Ấn Ðộ Dương (IFC-IOR) để xử lý các thách thức như đánh bắt trái phép, buôn lậu ma túy và buôn người. Chính phủ Ấn Ðộ còn thông qua dự án tổng thể về Nhận thức chủ quyền hàng hải quốc gia (NMDA), cung cấp thông tin tình báo để có thể đối phó với các mối đe dọa hàng hải. Trong tương lai, New Delhi nên tận dụng sức mạnh công nghệ của nước này để mở rộng khả năng thông tin.

Ngoài ra, Ấn Ðộ phải làm rõ vị trí quân sự của nước này tại IOR. Trong khi Hải quân Ấn Ðộ đang tăng cường sự hiện diện tại khu vực, New Delhi vẫn cam kết tuân thủ chiến lược “Ấn Ðộ tự cường” trong khi lịch sử đã chỉ ra rằng các mối quan hệ là điều cần thiết để đạt được và duy trì lợi thế quân sự tại IOR. Nhằm đa dạng hóa các đối tác để hiện đại hóa khả năng phòng thủ, New Delhi nên mở rộng cam kết quốc phòng với các quốc đảo nhỏ, tập trung vào các hoạt động quân sự. Ví dụ, Ấn Ðộ có thể cung cấp các tàu tuần tra hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và giám sát biển cả, mở các khóa huấn luyện về hoạt động nhân đạo và cứu trợ thiên tai, đồng thời tăng cường khả năng tương tác với các nước. Những hành động như vậy giúp duy trì quyền tự chủ chiến lược của Ấn Ðộ trong khi thu hẹp không gian để Trung Quốc khó xâm nhập vào khu vực.

Bên cạnh đó, Ấn Ðộ phải tìm cách tăng cường tham gia kinh tế tại IOR. Mặc dù Ấn Ðộ đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng bất chấp đại dịch COVID-19 hoành hành nhưng nhiều thách thức trong việc cung cấp hỗ trợ nước ngoài của nước này vẫn tồn tại. Các vấn đề như nghèo đói, tình trạng quan liêu trong việc triển khai các dự án trên thực địa và trên hết là việc thu hẹp phân bổ ngân sách cho viện trợ nước ngoài đã cản trở ảnh hưởng kinh tế của Ấn Ðộ. Ðể bù đắp, New Delhi đã thành lập quỹ hợp tác phát triển ba bên nhằm huy động khu vực tư nhân để thúc đẩy đầu tư và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Mô hình như vậy giúp củng cố vị thế kinh tế và ngoại giao của Ấn Ðộ nhưng lại hạn chế khả năng chi tiêu trực tiếp của chính phủ. Do đó, nếu Ấn Ðộ mong muốn đóng vai trò hàng đầu tại khu vực thì điều cần thiết là nước này phải chịu “móc hầu bao”.

Lợi thế của Ấn Ðộ trước Trung Quốc

Các nhà phân tích tin rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Ðộ vốn đã diễn ra trên đất liền nhiều thập niên qua sớm hay muộn cũng có thể sẽ xảy ra trên Ấn Ðộ Dương, khu vực đóng vai trò trọng yếu của cả 2 nước láng giềng châu Á đông dân nhất nhì thế giới.

Ấn Ðộ nằm ở vị trí trung tâm của Ấn Ðộ Dương, với đường bờ biển dài 7.500km và chiếm 95% khối lượng hàng hóa vận chuyển của Ấn Ðộ. Vùng biển này cũng có vị trí kinh tế và an ninh chủ chốt của Trung Quốc, khi 9 trong số 10 nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho nước này đều phải trung chuyển qua vùng biển này. RS Vasan, thiếu tướng hải quân về hưu của Ấn Ðộ và hiện là tổng giám đốc Trung tâm Chennai nghiên cứu về Trung Quốc, cho biết: “Từ Sáng kiến Vành đai, Con đường tới Con đường tơ lụa trên biển, Ấn Ðộ Dương là đấu trường chủ chốt để Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng”.

Từ tháng 8 năm ngoái, ngay cả khi Bắc Kinh tranh chấp biên giới trên bộ với New Delhi, vẫn có ít nhất 2 đoàn tàu Trung Quốc đến Ấn Ðộ Dương, dấy lên sự phản đối và nghi ngờ của Ấn Ðộ. Cụ thể, “tàu nghiên cứu” Yuan Wang 5 hồi tháng 8 cập cảng Hambantota của Sri Lanka mà Ấn Ðộ cáo buộc là hoạt động do thám. Con tàu này tiếp tục xuất hiện tại Ấn Ðộ Dương hồi tháng 12-2022, khiến Ấn Ðộ sau đó phải phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa để “cảnh báo”. Cũng trong tháng 12, nhiều tàu Trung Quốc đã hoạt động tại Ấn Ðộ Dương và giới hải quân Ấn Ðộ mô tả đây là hành động “xâm nhập” thường xuyên diễn ra.

Các hoạt động của Trung Quốc trên Ấn Ðộ Dương từng được kết hợp với ngoại giao hàng hải. Năm 2017, nước này đã mở căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên tại Djibouti, bên cạnh việc xây dựng cảng Gwadar của Pakistan và cảng Hambantota của Sri Lanka.

Trước sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc tại Ấn Ðộ Dương, chuyên gia RS Vasan cho rằng Ấn Ðộ cần phải lường trước các hành động gây hấn của Bắc Kinh tại khu vực, bởi New Delhi có lợi thế địa chiến lược lớn hơn. “Lợi ích lớn hơn của Ấn Ðộ là tiếp tục duy trì vị thế bảo vệ và cung cấp an ninh ở khu vực Ấn Ðộ Dương, điều mà Trung Quốc không thể làm được do khoảng cách địa lý. Trung Quốc không thể gây bất ngờ cho Ấn Ðộ trên Ấn Ðộ Dương”, ông Vasan nhấn mạnh.

ĐỨC TRUNG (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết