09/09/2021 - 08:12

Taliban thành lập chính phủ mới 

Hơn 3 tuần sau khi lên nắm quyền tại Afghanistan, Taliban hôm 7-9 đã công bố danh sách chính phủ lâm thời mới, nhưng thành phần lại gồm toàn người của lực lượng này.

Quyền Thủ tướng Hasan Akhund (trái) và cấp phó Ghani Baradar trong chính phủ lâm thời ở Afghanistan. Ảnh: timesofindia

Quyền Thủ tướng Hasan Akhund (trái) và cấp phó Ghani Baradar trong chính phủ lâm thời ở Afghanistan. Ảnh: timesofindia

Theo đó, ông Mohammad Hasan Akhund sẽ làm quyền Thủ tướng trong khi phó thủ lĩnh Abdul Ghani Baradar giữ vị trí quyền Phó Thủ tướng. Ông Akhund, người dân tộc Pashtun ở tỉnh Kandahar, từng giữ chức Ngoại trưởng đầu tiên và sau đó là Phó Thủ tướng thời Taliban cầm quyền Afghanistan giai đoạn 1996-2001. Ông đứng đầu cơ quan ra quyết định đầy quyền lực, gọi là hội đồng lãnh đạo (Rehbari Shura) của Taliban, được thành lập sau khi lực lượng Hồi giáo này bị Mỹ lật đổ năm 2001. Nhân vật ở độ tuổi ngoài 60 này đang có tên trong danh sách trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó, ông Baradar là người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban, đã dẫn đầu phái đoàn Taliban trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Qatar. Người đồng sáng lập Taliban này từng giữ chức thứ trưởng quốc phòng khi Taliban cai trị Afghanistan cuối thập niên 1990.

Một số vị trí khác được công bố gồm quyền Bộ trưởng Nội vụ Sarajuddin Haqqani (chỉ huy mạng lưới Haqqani, mạng lưới được cho vẫn còn thân thiết với tổ chức khủng bố al Qaeda), quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mawlavi Yaqoob (con trai nhà sáng lập Taliban Mullah Omar), quyền Ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi và quyền Bộ trưởng Tài chính Hedayatullah Badri.

Đài Al Jazeera nhận định đa phần các nhân vật trong chính phủ mới của Taliban đều là người Pashtun, cho thấy yếu tố đa dạng sắc tộc không được cân nhắc đến. Nội các mới của Taliban không có gương mặt nào từ cộng đồng thiểu số Hazara theo dòng Hồi giáo Shiite, bất chấp họ từng nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính quyền Afghanistan trước và chiếm hơn 1/5 dân số quốc gia. Điều này trái với lời hứa mà Taliban đưa ra rằng sẽ xây dựng một chính phủ “bao trùm” thể hiện được tính đa dạng sắc tộc của Afghanistan. Trong tuyên bố hôm 7-9, lãnh tụ tối cao Taliban Hibatullah Akhundzada đã yêu cầu chính phủ mới duy trì luật Hồi giáo Sharia hà khắc.

Phương Tây thận trọng

Phát biểu sau động thái của Taliban, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho hay Mỹ sẽ chưa vội công nhận chính phủ mới do Taliban thành lập. “Chúng tôi lưu ý việc danh sách nội các được công bố chỉ bao gồm thành viên Taliban hoặc cộng sự thân cận của họ và không có phụ nữ. Chúng tôi cũng lo ngại xuất thân và hồ sơ của một số người”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói rõ hôm 7-9.

Trong danh sách chính phủ mới của Afghanistan, quyền Bộ trưởng Nội vụ Haqqani bị Washington coi là kẻ khủng bố quốc tế và bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ treo thưởng lên tới 5 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ người này. Giới quan sát quan ngại rằng việc bổ nhiệm Haqqani sẽ khiến viễn cảnh Mỹ hợp tác với Taliban trở nên khó khăn hơn vì Washington nhiều lần kêu gọi họ cắt đứt quan hệ với chủ nghĩa khủng bố.

Cùng ngày, Điện Kremlin khẳng định Nga chưa đưa ra bất cứ quyết định nào về việc công nhận chính quyền Taliban và sẽ theo dõi “rất chặt chẽ” tình hình ở Afghanistan cũng như “sự tương xứng giữa những phát ngôn và hứa hẹn gần đây với những hành động của phong trào Hồi giáo”. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phản ứng một cách thận trọng đối với việc Taliban công bố chính phủ mới.

Khi được hỏi tại sao vắng mặt nữ giới trong chính quyền lâm thời Afghanistan, một quan chức cấp cao Taliban cho rằng nội các vẫn chưa hoàn thiện. Theo Hãng tin BBC, việc chỉ định ông Hasan Akhund làm quyền Thủ tướng được xem như sự thỏa hiệp, sau những báo cáo gần đây về cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Taliban giữa một số nhân vật tương đối ôn hòa và những người có quan điểm cứng rắn. Trước đó, văn phòng chính trị của Taliban ở Qatar và mạng lưới Haqqani đã đụng độ trực diện liên quan đến phân bổ các chức vụ chủ chốt trong chính phủ.

Mỹ thừa nhận khó xác định các nguy cơ tại khu vực sau khi rút quân

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 7-9 cho rằng sẽ rất khó để xác định các mối đe dọa từ khu vực sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Doha của Qatar, Bộ trưởng Lloyd Austin nhấn mạnh: “Không có gì phải bàn cãi rằng (việc Mỹ rút quân) sẽ khiến việc xác định và giải quyết các mối đe dọa từ khu vực trở nên khó khăn hơn”. Tuy nhiên, ông khẳng định cam kết sẽ không để các mối đe dọa được phép phát triển và tạo ra những thách thức đáng kể cho nước Mỹ. Ông Austin tuyên bố Mỹ có khả năng mạnh mẽ trong khu vực và đang tìm cách phát triển lực lượng của mình mỗi ngày.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết