03/02/2018 - 16:05

Tái tạo vành tai sinh học cho trẻ bị khiếm khuyết bẩm sinh 

Lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học Trung Quốc kết hợp công nghệ in 3D và tế bào sụn nuôi cấy để tái tạo thành công vành tai cho 5 trẻ mắc một khiếm khuyết bẩm sinh ở tai gọi là thiểu sản vành tai (microtia), ảnh hưởng đến cả hình dạng tai lẫn chức năng thính giác.

Quá trình tái tạo tai cho trẻ bị dị tật microtia. Ảnh: EBioMedicine

Quá trình tái tạo tai cho trẻ bị dị tật microtia. Ảnh: EBioMedicine

Microtia là một dị tật mà đứa trẻ sinh ra với phần tai có cấu trúc bất thường thậm chí thiếu hẳn bộ phận này, có thể dẫn đến suy giảm thính lực. Tình trạng này xảy ra với tỷ lệ ước tính 1/5.000, trong đó người Mỹ gốc Tây Ban Nha, người châu Á, người Mỹ bản địa và cư dân vùng Andes có nguy cơ mắc dị tật này cao hơn. Thông thường, giải pháp khắc phục microtia bao gồm ghép tai nhân tạo bằng nhựa hoặc sử dụng sụn sườn của trẻ để tái tạo vành tai bằng một qui trình vô cùng phức tạp. Nhưng trong nghiên cứu tái tạo vành tai sinh học đầu tiên, nhóm chuyên gia do ông Guangdong Zhou dẫn đầu đã thu thập tế bào sụn gọi là chondrocyte từ chính những trẻ khuyết tật và dùng chúng để phát triển sụn và tái tạo thành công vành tai mới cho các em.

Công bố trên tạp chí y sinh học uy tín EBioMedicine, nhóm chuyên gia cho biết nghiên cứu tiến hành đối với 4 trẻ gái (từ 6-9 tuổi) và 1 bé trai 7 tuổi bị khuyết 1 tai bẩm sinh. Đầu tiên, họ sử dụng ảnh chụp CT và kỹ thuật in 3D để tạo ra một bộ khung có khả năng phân hủy sinh học với cấu trúc giống như vành tai khỏe mạnh còn lại của từng bệnh nhi. Tiếp theo, họ thu thập tế bào sụn chondrocyte ở phần tai dị tật của các em, rồi nuôi cấy trên bộ khung sinh học mới khoảng 3 tháng. Khi khung sụn phát triển đầy đủ, chúng được cấy ghép để tái tạo tai cho 5 bệnh nhi. Mỗi em có thời gian theo dõi sau cấy ghép khác nhau, nhưng lâu nhất là 2 năm rưỡi.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, 3 trong số 5 bệnh nhi đã phát triển vành tai mới hoàn chỉnh với hình dạng, kích thước và góc nghiêng giống hệt chiếc tai khỏe mạnh còn lại. Tuy có 2 em bị biến dạng vành tai chút ít sau thời gian theo dõi, nhưng không trẻ nào có dấu hiệu đào thải đối với bộ phận cấy ghép. Kết quả này được mô tả là “đột phá quan trọng” trong ứng dụng lâm sàng đối với kỹ thuật nuôi cấy sụn tai cho người. Các nhà nghiên cứu khẳng định họ đã thành công trong việc thiết kế, chế tạo và tái tạo tai ngoài cho từng bệnh nhân riêng biệt, nhưng vẫn cần theo dõi lâu dài (có thể đến 5 năm) để hiểu rõ đặc tính của sụn mới và kết quả thử nghiệm lâm sàng. “Cần có thêm nghiên cứu trước khi phương pháp mới có thể được sử dụng rộng rãi trên những bệnh nhân bị thiểu sản vành tai” – họ nói thêm.

Nhận định về nghiên cứu mới, Lawrence Bonassar – Giáo sư kỹ thuật y sinh tại Đại học Cornell (Mỹ) – cho biết kết quả trên cho thấy phương pháp xử lý mô tế bào để tái tạo mô tai và mô sụn khác sẽ sớm được ứng dụng lâm sàng vào điều trị microtia. Ông Bonassar không tham gia nghiên cứu mới này, nhưng từng nghiên cứu nhiều về tái tạo tai cho bệnh nhân dị tật vành tai bằng kỹ thuật in 3D. Còn theo Tiến sĩ Tessa Hadlock, Trưởng khoa tái tạo và phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Mắt và Tai Massachusetts, ý tưởng thu thập tế bào tự thân của bệnh nhân rồi nuôi cấy và tái tạo bộ phận nào đó không phải là mới. Nhưng “điều mới lạ ở nghiên cứu nói trên là lần đầu tiên các chuyên gia tiến hành điều này trên 5 bệnh nhân cùng lúc và kết quả theo dõi lâu dài cho thấy tai mới được phát triển từ sụn đã tiến triển tốt” - bà nói.

HOÀNG ĐIỂU (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết