18/01/2022 - 23:17

Tại sao Houthi tấn công UAE? 

Liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tham chiến tại Yemen ngày 18-1 tiến hành các cuộc không kích nhằm vào thủ đô Sanaa hiện do lực lượng nổi dậy Houthi kiểm soát. Động thái được cho là nhằm trả đũa Houthi vì đã tấn công Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một thành viên trong liên quân Arab.

Các xe bồn chở nhiên liệu đã phát nổ gần kho của công ty dầu mỏ ADNOC ở UAE.

Các xe bồn chở nhiên liệu đã phát nổ gần kho của công ty dầu mỏ ADNOC ở UAE.

Kênh truyền hình Al-Arabiya TV dẫn tuyên bố của liên quân khẳng định những vụ không kích nhằm vào một cuộc họp của các chỉ huy cấp cao Houthi tại Sanaa, khiến ít nhất 14 người chết và nhiều người khác bị thương.

Vụ tấn công diễn ra sau khi Houthi nhận trách nhiệm đứng sau các cuộc không kích bằng máy bay không người lái (UAV) ở UAE ngày 17-1. Vụ không kích đã khiến 3 xe bồn chứa dầu ở thủ đô Abu Dhabi phát nổ và gây ra một vụ cháy khác tại sân bay quốc tế Abu Dhabi. Hậu quả làm ít nhất 3 người thiệt mạng và 8 người khác bị thương.

Các vụ tấn công chết người rất hiếm xảy ra tại UAE, quốc gia lâu nay được xem là ổn định trong khu vực. Lực lượng Houthi thường thực hiện các vụ phóng tên lửa và tấn công bằng UAV sang lãnh thổ Saudi Arabia.

Ngăn UAE can thiệp sâu hơn vào Yemen

Nội chiến tại Yemen kéo dài từ năm 2014 đến nay giữa lực lượng chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Abdrabbuh Mansour Hadi và Houthi, đẩy quốc gia Trung Đông vào một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới. Việc Houthi chiếm giữ một số tỉnh ở miền Bắc Yemen đã buộc chính phủ của Tổng thống Hadi phải rời khỏi thủ đô Sanaa và tới thành phố Aden. Năm 2015, liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu có sự tham gia của UAE bắt đầu can thiệp để hậu thuẫn cho chính phủ của ông Hadi, đã vũ trang và huấn luyện cho các lực lượng địa phương tại Yemen cầm súng chống Houthi ở các tỉnh giàu dầu mỏ gồm Shabwa và Marib.

Về phần mình, UAE đã giảm phần lớn sự hiện diện quân sự tại Yemen vào năm 2019, song vẫn tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng thông qua các lực lượng người Yemen do nước này huấn luyện, bao gồm Hội đồng Chuyển tiếp miền Nam (STC). Tuy nhiên, phát ngôn viên Houthi Mohammad Abdulsalam hôm 17-1 nhấn mạnh: “UAE nói sẽ tránh xa Yemen nhưng gần đây lại can dự, trái ngược với tuyên bố”. Houthi cảnh báo sẽ tiến hành tấn công nhiều mục tiêu quan trọng tại UAE nếu nước này có hành động làm leo thang quân sự ở Yemen.

Theo các chuyên gia, Houthi đang tìm cách ngăn chặn UAE can thiệp sâu hơn vào Marib, cách thủ đô Sanaa 120km và là một trong những điểm nóng của cuộc xung đột tại Yemen. Thật ra, STC từng tránh mở những cuộc tấn công nhằm vào Houthi và quay sang xung đột trực tiếp với Chính phủ Yemen. Với sự hỗ trợ quân sự của UAE, STC từng giành quyền kiểm soát thành phố Aden năm 2019. Nhưng trong vài tuần qua, các lực lượng do UAE hậu thuẫn lại chĩa súng về phía Houthi, gây ra những hậu quả nặng nề. Trong đó, lực lượng “Lữ đoàn Người khổng lồ” thậm chí đã đánh bật Houthi ra khỏi Shabwa và đang tiến công vào các tỉnh al-Bayda, Marib. Nếu Marib nằm trong tay Houthi, nhóm phiến quân này có thể giành lợi thế trong đàm phán và tiếp tục tiến sâu về phía Nam. Mất Marib, Houthi sẽ chẳng còn “quân bài nào” trên bàn đàm phán. Trong trường hợp chính phủ của ông Hadi kiểm soát được Marib thì nơi đây sẽ được biến thành một “thành trì”. Ngược lại, Marib thất thủ sẽ là đòn chí tử với Chính phủ Yemen.

Lực lượng Houthi đã không ngừng tấn công nhằm giành quyền kiểm soát thành phố Marib, thành trì cuối cùng của Chính phủ Yemen ở miền Bắc, kể từ đầu năm 2021. “Sự can thiệp của các lực lượng do UAE hậu thuẫn làm thay đổi cuộc chơi. Điều này đã chọc giận Houthi”, Maged al-Madhaji tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Sanaa, nhận định.

Hồi đầu tháng 1 này, Houthi cũng đã bắt giữ một tàu chở thiết bị quân sự của UAE trên Biển Đỏ. Lần gần nhất UAE hứng chịu các cuộc tấn công từ phiến quân Houthi là năm 2018, thời điểm các lực lượng do nước này hậu thuẫn mở chiến dịch tấn công chống Houthi tại thành phố cảng Hodeida của Yemen.

Hôm 17-1, Saudi Arabia, Pháp, Israel, Anh và nhiều quốc gia khác đã lên án cuộc tấn công bằng UAV tại UAE. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng vụ tấn công đã đe dọa “sự ổn định của khu vực”. Giá dầu trong phiên giao dịch sáng 18-1 đã lên mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây, do lo ngại về khả năng đứt gãy nguồn cung sau vụ phiến quân Houthi ở Yemen tấn công cơ sở dầu mỏ Mussafah tại UAE.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, Reuters)

Chia sẻ bài viết