19/07/2011 - 06:42

Tái phát khủng hoảng

Ngày 17-7, Thủ tướng Ai Cập Essam Sharaf đã bổ nhiệm 15 bộ trưởng mới, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao, trong đợt cải tổ nội các mới nhất của nước này nhằm xoa dịu làn sóng giận dữ của những người biểu tình trước tiến trình cải cách chậm chạp của chính phủ lâm thời.

Trong số những người vừa được bổ nhiệm, ông Mohammed Kamel Amr được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao thay ông Mohammed al-Orabi vừa từ chức. Ông Amr nguyên là Đại sứ Ai Cập tại Arabie Séoudite và từng có thời gian làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB). Thủ tướng Sharaf cũng yêu cầu Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế Hazem Beblawi kiêm chức Bộ trưởng Tài chính. Trước đó một ngày, Thủ tướng Sharaf cũng đã bổ nhiệm ông Ali el-Selmi, một thành viên kỳ cựu của đảng Wafd, làm Phó Thủ tướng phụ trách tiến trình chuyển giao dân chủ.

Hiện danh sách nội các mới đã được Thủ tướng Sharaf trình lên Hội đồng Tối cao Các lực lượng vũ trang Ai Cập, đang nắm quyền kiểm soát đất nước kể từ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak từ chức hồi đầu năm nay. Theo kế hoạch, các thành viên mới của nội các sẽ tuyên thệ trong ngày 18-7.

Tuy nhiên, theo hãng thông tấn MENA của Ai Cập, cải tổ nội các dường như không làm hài lòng người dân xứ kim tự tháp, vì các vị trí gây tranh cãi như Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tư pháp vẫn được giữ nguyên. Giới quan sát cho rằng việc Thủ tướng Sharaf bảo lưu cương vị của Bộ trưởng Nội vụ Mansour al Essawy, vốn được xem là “hiện thân” của chính quyền cũ, đã chọc giận người biểu tình và làm mất tác dụng của cuộc thay đổi này.

Theo một số nhà quan sát, hành động cải tổ nội các lần này của Thủ tướng Sharaf cũng giống như lúc ông Mubarak sắp bị phế truất. Trong những ngày đầu bùng phát cuộc biểu tình ở Ai Cập, ông Mubarak cũng từng đề nghị thay đổi các bộ trưởng nội các, nhưng không thể xoa dịu được cơn giận của đám đông, dẫn tới kết quả là ông phải ra đi vào ngày 11-2.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo quân sự Ai Cập đã trở thành mục tiêu phê phán của người biểu tình, những người hồi tháng 2 còn xem họ là người hùng. Các nhà hoạt động tập trung tại quảng trường Tahrir cho rằng giới lãnh đạo lâm thời đã không phá bỏ được cơ cấu quyền lực cũ kể từ khi ông Mubarak bị phế truất, vì chậm cải cách và nhiều nhân vật trung thành Mubarak còn nắm quyền.

Nhật báo Phố Wall của Mỹ cho rằng những nỗ lực của Thủ tướng Sharaf trong vài tuần qua rõ ràng vẫn chưa đủ công hiệu để trị cơn khủng hoảng đang tái phát ở Ai Cập. Liên minh thanh niên cách mạng, một trong những tổ chức tuyên bố đại diện cho người biểu tình ở quảng trường Tahrir, đã kêu gọi ông Sharaf từ chức. Liên minh này nói ông Sharaf đã không đáp ứng yêu cầu cải tổ đất nước sâu rộng như nhà lãnh đạo cuộc nổi dậy ở Ai Cập đã từng cam kết khi phế truất Tổng thống Mubarak.

N. MINH (Theo WSJ, LA Times)

Chia sẻ bài viết